Sáng 18/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi)- Những tác động bất lợi và kiến nghị”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến 8 vấn đề trong Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) có thể có tác động bất lợi cho doanh nghiệp. Đó là, thời giờ làm thêm và cách tính lương làm thêm giờ, tiền lương, thời giờ làm việc bình thường, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, một số vấn đề khác như: lao động nước ngoài, lao động nữ, lao động trẻ em…
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). |
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong các quy định mới của Dự thảo, một số quy định nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng như: không thay đổi trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm thêm tiêu chuẩn.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, khi các doanh nghiệp tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp có trách nhiệm làm hài hòa giữa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động. Do đó, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cần cân nhắc sửa đổi các quy định, vì năng lực cạnh tranh quốc gia, vì sự phát triển của nền kinh tế.
“Chúng tôi đưa ra các ý kiến với mục đích để Ban soạn thảo, các chuyên gia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thể nghiên cứu và cân nhắc xem tại thời điểm này thì những ý kiến của chúng tôi đã phù hợp hay chưa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế”, bà Trần Thị Lan Anh nói.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, với xu thế giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất. Khi áp lực quá lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến kim ngạch quốc gia giảm đi kéo theo chuỗi doanh nghiệp cung ứng cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh xây dựng Bộ luật lao động mới, rất nhiều các quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Điều này cho thấy nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, hội nhập với xu thế phát triển quốc tế của Việt Nam và đây là một nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, cần xem xét thấu đáo vị trí kinh tế hay chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới, để từ đó có những điều thay đổi phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Bởi lẽ khi nền kinh tế bị tác động, giảm kim ngạch xuất khẩu thì chính đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, thì khi đó “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Trong những bất cập mà chúng ta phân tích rất nhiều vấn đề, tôi nghĩ rằng các hiệp hội, ngành nghề của chúng ta, trong lúc này không còn nhiều thời gian nữa, xin cùng với Viện Kinh tế phải làm kiến nghị để xin điều chỉnh, sửa đổi các bất cập trước khi luật ban hành để đảm bảo khi luật ban hành, đi vào đời sống có thể làm hài hòa lợi ích, phát triển kinh tế, xã hội”.
Dự kiến ngày 20/9 tới, Ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau đó sẽ chính thức trình tại Quốc hội và vào tháng 10/2019./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV