Kinh tế

Được Quốc hội “rót” 7.000 tỷ đồng, ngành đường sắt sẽ tiêu tiền thế nào? Chia sẻ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, số vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện 4 dự án cấp bách, nhằm tăng năng lực thông qua và đảm bảo kiểm soát an toàn giao thông đường sắt.

Ngành đường sắt sẽ sử dụng 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án cấp bách

7.000 tỷ đồng vừa được thông qua là khoản vốn nằm trong gói ngân sách 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Số vốn này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, trình Chính phủ xin bố trí vốn từ đầu năm 2017.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết, ngành đường sắt sẽ sử dụng 7.000 tỷ đồng vừa được duyệt với mục tiêu là tăng năng lực thông qua, đồng đều tải trọng toàn tuyến; đảm bảo kiểm soát an toàn giao thông đường sắt tốt hơn; kỳ vọng tăng tốc độ chạy tàu.

Nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn (hiện tải trọng đoạn từ Nha Trang đến TPHCM là 3,6 tấn); Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần.

Theo ông Minh, 7.000 tỷ đồng sẽ được ưu tiên “rót” cho các hạng mục cải tạo 111 cầu yếu, 11 hầm yếu, cải tạo kết cấu nền đường để đồng đều tải trọng trên toàn tuyến. Nối dài đường tránh trong ga để đảm bảo năng lực thông qua, qua đó tăng số chuyến, tăng sản lượng, không bị lãng phí sức kéo; xây dựng hơn 33km hàng rào, đường gom để xóa bỏ khoảng 800 lối đi tự mở…

“7.000 tỷ đồng sẽ bố trí cho 4 dự án là Cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Hà Nội - Vinh khoảng 1.400 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Vinh - Nha Trang khoảng 1.800 tỷ đồng, đoạn tuyến Nha Trang - Sài Gòn 1.900 tỷ đồng, gói cải tạo nâng cấp cầu yếu, hầm yếu.” - ông Minh thông tin.

Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, mới đây Bộ GTVT đã họp và quyết định giao cho Ban Quản lý dự án Đường sắt 2 dự án cải tạo đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, nâng cấp cầu yếu, hầm yếu, các đường gom), giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo đoạn tuyến Vinh - Nha Trang và Nha Trang - Sài Gòn).

Ông Minh cho biết, hiện nay các đơn vị đang xúc tiến các trình tự thủ tục để trình phê duyệt (227 ngày), dự kiến đến giữa năm 2019 mới bắt đầu triển khai thi công được.

Theo chiến lược, kế hoạch của ngành được sắt được Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030, ngành đường sắt cần tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu là 110.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 48.000 tỷ đồng và giai đoạn 2020-2030 khoảng 62.000 tỷ đồng.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP