Kinh tế

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề xuất đặt nhà ga Thanh Hóa - Nghệ An ở những điểm nào?

Các ĐBQH đã đề xuất mở thêm nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giữa Thanh Hóa và Nghệ An, vị trí được đề xuất đặt nhà ga giữa hai tỉnh này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.

Dự kiến đặt nhà ga tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)

Theo báo Thanh Tra, ngày 18/11, Sở GTVT tỉnh Nghệ An xác nhận theo như phương án trình Quốc hội, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An sẽ có chiều dài 85,5km với điểm đón trả khách là Ga Vinh.

Theo đó, ga Vinh được đề xuất đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, giữa trục đường rộng 72m của Khu công nghiệp VSIP và trục Quốc lộ 46 mới kết nối phía Tây với trung tâm thành phố. Đây là ga 4 đường, tất cả các tàu đều dừng.

Depot Vinh được bố trí tại xã Hưng Tân và Hưng Thắng (nay là xã Hưng Nghĩa), huyện Hưng Nguyên, nhằm phục vụ khai thác khu đoạn Ngọc Hồi - Vinh. Depot đường sắt tốc độ cao có vai trò lưu trữ và dồn dịch các đoàn tàu, đồng thời là nơi thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng đầu máy, toa xe, và kiểm tra các phương tiện thi công đường sắt.

Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 85,5km. Trên tổng chiều dài này, dự kiến sẽ xây dựng 2 trạm dồn dịch để phục vụ các phương tiện bảo trì (như máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát) và lưu trữ vật tư, vật liệu:

Trạm 1: Đặt tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Trạm này phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía trước Ga Vinh, thuộc khu gian Thanh Hóa - Vinh.

Trạm 2: Được kết hợp trong Depot Vinh, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất và thuận tiện trong các tác nghiệp. Trạm này phục vụ duy tu, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía sau Ga Vinh, thuộc khu gian Vinh - Hà Tĩnh.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An dự kiến được thiết kế như sau:

Đoạn từ Hoàng Mai đến núi Thần Vũ: Sau khi vượt núi Trường Lâm, tuyến sẽ tránh Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, đi về phía Tây, nằm giữa hành lang đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc, tuân thủ đúng quy hoạch của địa phương.

Phạm vi huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu: Tuyến đi song song với đường sắt hiện tại, cách khoảng 100m đến 400m về phía Tây.

Đoạn từ núi Thần Vũ đến sông Lam: Tuyến vượt hầm Thần Vũ, tránh đập Ồ Ồ, nằm trong hành lang quy hoạch qua Khu kinh tế Đông Nam. Đường sắt chủ yếu chạy song song về phía Đông của đường bộ cao tốc, sau đó kẹp giữa đường bộ cao tốc và tuyến tránh TP. Vinh.

Sẽ có 2 nhà ga ở tỉnh Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, dự kiến nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đặt gần với dự án bến xe trung tâm TP. Thanh Hóa, thuộc phường Đông Tân và thị xã Nghi Sơn.

Theo như quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 khu vực số 04 Quy hoạch chung đô thị TP. Thanh Hóa đang lập, đã quy hoạch dành quỹ đất xây dựng ga hành khách tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có diện tích 8,1ha.

Theo hướng tuyến dự án, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa sẽ chạy men từ khu vực núi Tam Điệp đi về phía Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao chuyển sang phía Tây Quốc lộ 1 tại khu vực huyện Hà Trung, vượt sông Mã tại vị trí cách cầu Hàm Rồng khoảng 4,3km về phía thượng lưu. Ga Thanh Hóa được quy hoạch đặt tại phía Tây TP. Thanh Hóa.

Theo đó, nhà ga hành khách dự kiến được đặt tại khu vực giao nhau giữa đường Lại Thế Long và đường Vành đai phía Tây (còn gọi là đường Vạn Lại - Yên Trường), thuộc địa phận phường Đông Tân, TP. Thanh Hóa. Vị trí nhà ga được xác định nằm gần bến xe trung tâm TP. Thanh Hóa, một dự án có quy mô 9,9 ha với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng (chưa khởi công xây dựng).

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km. Ảnh minh họa

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu việc ưu tiên bố trí quỹ đất xung quanh ga hành khách để phát triển các khu đô thị và khu chức năng.

Định hướng này nhằm xây dựng mô hình đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn làm trung tâm kết nối đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao.

Ngoài ra, việc quy hoạch còn hướng đến khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển các khu đô thị bền vững và thân thiện với môi trường theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development).

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 95,2 km, đi qua 8 huyện, thị xã, thành phố, với 2 nhà ga được bố trí:

Ga Đông Tân: Tại phường Đông Tân, TP. Thanh Hóa.

Ga Khu kinh tế Nghi Sơn: Dự kiến quy hoạch tại địa phận Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ có các trạm bảo dưỡng tại xã Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa), xã Thăng Bình (huyện Nông Cống), và xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn).

Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 13/11. Theo tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố, với tổng chiều dài khoảng 1.541km.

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự án). Đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.

Theo báo Chính phủ, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Quốc Thuận (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cũng bày tỏ ủng hộ việc chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đề nghị cần tính toán để đảm bảo an toàn cho cả nền kinh tế, tránh quá chú trọng đến dự án này mà ảnh hưởng các mục tiêu phát triển kinh tế.

Ông Thuận cũng băn khoăn về tờ trình dự án tuyến đường sắt với 23 ga hành khách, trong đó khoảng cách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa lên tới khoảng 140km, được xem là quá xa.

Do đó, ông Thuận đề nghị Chính phủ phủ nghiên cứu mở thêm một ga giữa hai tỉnh, tại Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Với vị trí tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ga này có thể phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa.

Điểm đầu: Ga Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Điểm cuối:

Tàu khách: Ga Thủ Thiêm, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM.

Tàu hàng: Ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Tuyến đường sắt này sẽ bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, và 4 depot tàu hàng. Trong đó, tuyến dự kiến bố trí 5 depot cho tàu khách tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM.

Depot lớn kết hợp sửa chữa: Tại Ngọc Hồi (Hà Nội), Đà Nẵn, và Long Trường (TP. HCM).

Depot không có khu vực sửa chữa lớn: Tại Ga Vinh và Nha Trang.

Ngoài ra, tuyến còn bố trí 45 cơ sở bảo trì hạ tầng, trong đó có 5 cơ sở nằm cùng vị trí với các depot.

Khoảng cách trung bình giữa các ga hành khách là 67km, phù hợp với tốc độ thiết kế 350 km/h và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Theo kinh nghiệm quốc tế, với vận tốc trên 300 km/h, khoảng cách giữa các ga thường dao động từ 50-70 km, trong khi với vận tốc dưới 250 km/h, khoảng cách trung bình là 30-50 km.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.

Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.

Theo Tạp chí VnEconomy, trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD.

Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.

Tác giả: Hải Đăng

Nguồn tin: dautu.kinhtechungkhoan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP