Facebook gỡ hàng trăm nghìn bài viết sai về Covid-19
Facebook hiển thị thông báo trên Bảng tin những người đã tiếp xúc với tin giả Covid-19. Ảnh: Facebook |
Facebook cho biết đã gỡ bỏ hàng trăm ngàn bài viết sai sự thật về Covid-19, có thể gây tổn hại cho người tiếp nhận. Trong tháng 3/2020, mạng xã hội cũng hiển thị cảnh báo trên 40 triệu nội dung đáng nghi liên quan tới virus SARS-CoV-2 nhưng không xóa chúng.
Ngoài ra, Facebook bắt đầu đăng các thông điệp trên Bảng tin của những người tương tác (thích, bình luận, chia sẻ) với tin giả Covid-19 mà công ty đã xóa và hướng họ đến thông tin chính xác. Người dùng sẽ được dẫn đến trang của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xóa bỏ các hiểu lầm về dịch bệnh, cũng như động viên họ giúp bạn bè, người thân tránh tin giả.
Đây là động thái mới nhất mà Facebook đưa ra nhằm đối phó với “đại dịch tin giả” liên quan tới Covid-19. Những tin đồn phổ biến lan truyền trên mạng xã hội bao gồm 5G làm lây lan virus; uống cồn để ngăn nhiễm virus; trời lạnh và tuyết sẽ giết chết virus hay muỗi cắn sẽ làm lây virus.
Gmail chặn 18 triệu email Covid-19 độc hại mỗi ngày
Email giả mạo WHO kêu gọi quyên góp cho tổ chức bằng Bitcoin. Ảnh: Google |
Google đã can thiệp vào 18 triệu email lừa đảo và chứa mã độc liên quan tới Covid-19 mỗi ngày trong tuần trước, đại diện cho gần 20% tổng số email lừa đảo bị chặn hàng ngày. Nó còn chưa bao gồm 240 triệu email spam về Covid-19 mà hệ thống tự động lọc ra mỗi ngày.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo hacker và tội phạm mạng có tổ chức đang lợi dụng khủng hoảng Covid-19 để tấn công người làm việc, học tập từ xa. Số liệu mới nhất của Gmail, dịch vụ email phổ biến nhất thế giới, cho thấy đó không phải cảnh báo suông.
Theo Google, kẻ xấu thường giả mạo các tổ chức quốc tế như WHO để kêu gọi mọi người quyên góp bằng Bitcoin. Chúng cũng giả làm bộ phận quản trị để lừa nạn nhân bấm vào các liên kết đáng nghi. Một số mạo danh tổ chức chính phủ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về gói cứu trợ.
Máy học đóng vai trò then chốt trong nỗ lực ngăn chặn mã độc, lừa đảo, email độc hại khác của Google. Những kẻ lừa đảo thường tinh chỉnh, thay đổi kỹ thuật để vượt qua hệ thống lọc thư và lợi dụng khủng hoảng như Covid-19, vì vậy công nghệ cũng phải thích ứng theo.
Đầu năm nay, Google nêu chi tiết về công nghệ “máy quét tài liệu” mới, sử dụng deep learning để cải thiện khả năng phát hiện nguy cơ trong các tập tin đính kèm. Những công nghệ này giúp Google quét được 99,9% email độc hại.
Tác giả: Du Lam
Nguồn tin: Báo Vietnamnet