Báo Tiền Phong đưa tin, gan là cơ quan đầu tiên xử lý các chất dung nạp vào cơ thể trước khi hấp thụ. Với khối lượng gần 3kg (chiếm 2% thể trọng), gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng liên quan đến tiêu hóa, chuyển hóa, miễn dịch và dự trữ chất. Gánh nặng chuyển hóa khiến gan dễ gặp tổn thương do các yếu tố bên ngoài như thực phẩm bẩn, thuốc, hóa chất, virus viêm gan…
Hiện nay, nhiều người có thói quen sử dụng các thảo dược đã được chứng minh công dụng rất tốt đối với gan như: diệp hạ châu đắng, mật nhân hay đặc biệt là cây cà gai leo... Tuy nhiên, tình trạng dược liệu bẩn, kém chất lượng “đội lốt” dược liệu cao cấp một cách tinh vi tràn lan thị trường khiến người tiêu dùng dùng nhầm “thuốc độc” gây hệ lụy cho gan mà không biết.
Dùng thảo dược để tăng cường chức năng gan nên thận trọng |
Với mục đích tăng yếu tố cảm quan, tạo màu sắc và hương vị, các nhà buôn sử dụng phẩm màu và hương liệu tổng hợp để tẩm ướp dược liệu… ngâm hóa chất bảo quản để gia tăng thời hạn sử dụng cho dược liệu. Điều này gây hại nghiêm trọng đến gan, cũng như đối với sức khỏe con người.
Ngoài ra, thảo dược cũng có nguy cơ tiềm ẩn nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thậm chí là phân bón hóa học giúp cây tăng trưởng. Những chất độc này không thể tiêu hủy trong 1-2 năm, thế nên hậu quả người bệnh gan phải chịu là khôn lường.
Nguy hiểm hơn, hiện nay tình trạng trà trộn thảo dược giả vào nhưng thổi phồng là thảo dược xịn cũng đang phổ biến và được bán tràn lan trên mạng khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được. Ví dụ cây cà gai leo thường được trộn lẫn với cây cà dại hoa trắng. Trong khi đó cây cà dại hoa trắng không những không có tác dụng đối với gan mà còn chứa độc tố cho cơ thể.
Trước thực tế trên, Th.S Đào Quang Trung (Chuyên gia độc lập về GACP) cho rằng, khi gan yếu mà chúng ta lại sử dụng những dược liệu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu thì đó là một điều tối kỵ đối với gan.
Cũng trong một báo cáo tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ, Navarro và các đồng nghiệp đã phân tích nội dung và xác định mạng lưới ghi nhận tổn thương gan do thuốc (DILI) ở khoảng 1.800 bệnh nhân, trong đó có 375 người cho biết đã dùng thực phẩm chức năng mà họ đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu, tin tức trên báo Sức khỏe&Đời sống.
Các thành phần của mỗi sản phẩm, được xác định thông qua phân tích hóa học (sắc ký lỏng và quang phổ khối), được so sánh với các thành phần được liệt kê trên nhãn sản phẩm. Kết quả cho thấy, trên thực tế, chỉ có 44% thực phẩm chức năng ghi chính xác thành phần trên nhãn.
Ngoài ra, các sản phẩm đã được tìm thấy có chứa độc tố hại gan, chẳng hạn như steroid đồng hoá hoặc dược phẩm. Cụ thể, 80% đối với sản phẩm steroid, 54% đối với chất bổ sung vitamin và 48% đối với thành phần thực vật.
Đối với người sử dụng có mục đích, tỉ lệ nhầm lẫn phổ biến nhất đối với các sản phẩm dùng cho tăng cường cơ bắp (79%), giảm cân (72%), “tăng năng lượng” (60%) và sức khoẻ chung (51%). Tỷ lệ tổn thương gan cũng được biết đến với những sản phẩm truyền miệng, chưa đăng ký.
Trong một nghiên cứu được tiến hành ở Kochi, Ấn Độ, 1.440 bệnh nhân trong 1 năm, theo thang điểm đánh giá nhân quả của Roussel Uclaf (RUCAM) được đánh giá là bị tổn thương gan kéo dài do ăn phải các chất bổ sung và thảo mộc để điều trị chứng khó tiêu/đầy bụng (30%) và tăng cường thèm ăn (22%). Trong đó, 33% người bệnh sử dụng các sản phẩm chưa đăng ký.
Các biểu hiện tổn thương gan do thuốc được liệt kê là mệt mỏi, chán ăn, vàng da, ngứa và sốt. Trong những trường hợp nặng phải nhập viện còn phát hiện thêm bệnh não do gan, bệnh cổ trướng, đã có trường hợp phải ghép gan và tử vong (kể cả với người đã được ghép gan).
Từ nghiên cứu thực tế này, các nhà nghiên cứu cảnh báo thực phẩm chức năng và thảo dược không được kiểm soát gây độc tính và tổn thương ngày càng nhiều, đặc biệt với các thành phần không được liệt kê trong thông tin sản phẩm. Do đó, người sử dụng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm chức năng hay thuốc có nguồn gốc thảo dược chứa các thành phần không dán nhãn, hay các chất hóa học và vi khuẩn, chất gây nghiện dược lý hoặc các hợp chất khác có tiềm năng gây độc để tránh gây tổn hại gan, đặc biệt phải ghép gan, thậm chí tử vong.
Tác giả: An Dương
Nguồn tin: VietQ.vn