Kinh tế

Giá xăng dầu sắp giảm mạnh?

Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt. Diễn biến này sẽ làm giảm áp lực giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh tới sau một thời gian dài liên tiếp tăng cao.

Giá xăng dầu tăng quá cao sẽ cản trở phục hồi nền kinh tế sau Covid-19 (Ảnh: M.Quân).

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh sắp tới (25/11) có thể sẽ giảm mạnh nếu cơ quan điều hành không trích lập quỹ bình ổn.

Tuy nhiên do quỹ bình ổn đang âm sau một thời gian dài chịu áp lực từ việc tăng giá mạnh và liên tục trong thời gian qua, vị này cho rằng, cơ quan điều hành có khả năng sẽ tiến hành trích lập, tạo dư địa cho kỳ điều hành sau.

Theo vị này, giá xăng dầu thế giới tiếp đà giảm trong nhiều ngày qua, điều này tác động lớn giá trong nước. Giá dầu WTI của Mỹ kết thúc phiên thấp hơn do dự báo sản lượng toàn cầu tăng được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra cuối ngày 16/11.

Tuy nhiên, theo IEA, đà phục hồi của thị trường dầu có thể sẽ suy yếu do giá cao và đưa ra dự kiến giá dầu Brent trung bình đạt khoảng 71,5 USD/thùng trong năm nay và 79,4 USD vào năm 2022.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký OPEC cũng có dự báo, nguồn cung dầu sẽ thặng dư sớm nhất là vào tháng 12 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới. Tuần trước, OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV năm nay sẽ giảm 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước. Bởi giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Giá năng lượng tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát tại Mỹ leo thang vào tháng trước. Các tài xế ở California phải trả mức giá kỷ lục 4,68 cho mỗi gallon xăng.

Chính quyền Washington buộc phải đưa ra các biện pháp để hạ nhiệt giá dầu. Một trong những giải pháp được tính toán đó là giải phóng kho dự trữ chiến lược quốc gia của Mỹ.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu thô toàn cầu tăng có thể hãm mức cao kỷ lục của giá xăng.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng liên tiếp khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Họ buộc phải tăng giá dịch vụ. Trong khi đây là chi phí đầu vào của hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực khác.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (10/11), giá xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 660 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.660 đồng/lít; xăng RON 95 có giá 24.990 đồng/lít.

Làm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Trần Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu - cho biết, giá xăng dầu hiện chiếm 35% tổng giá thành. Việc giá xăng dầu tăng cao như vừa qua buộc doanh nghiệp vừa qua phải điều chỉnh tăng giá, sẽ dao động ở mức 15%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới. Nước ta chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao, nhiều nước tung các gói kích thích…

Những diễn biến này, theo đại biểu, có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới. Một số chi phí, dự toán chúng ta có thể thay đổi. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn. Trong đó kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP