|
Cước vận tải tăng?
Trong kỳ điều chỉnh gần nhất 17.4, giá của các mặt hàng xăng trên thị trường đều tăng. Theo đó, xăng E5RON 92 tăng 1.115 đồng mỗi lít; xăng RON 95 thêm 1.202 đồng. Sau điều chỉnh, giá mỗi lít E5RON 92 tối đa 19.703 đồng; RON 95 có mặt bằng giá mới 21.235 đồng.
Đây là lần tăng giá thứ 3 của xăng từ đầu năm đến nay. Giá xăng tăng 4.000 đồng/lít kể từ đầu năm đã tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải. Theo thông số chung, xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.
Song ông Quyền khẳng định, giá cước vận tải cho đến thời điểm này vẫn được giữ nguyên. Việc điều chỉnh giá xăng tăng là điều không ai mong muốn nhưng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Điều này buộc các doanh nghiệp vận tải phải có những phương án, kế hoạch để đối phó.
"Khi xây dựng phương án giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải dự báo được giá cao nhất và thấp nhất để tính toán mức giá phù hợp trong chu kỳ 3-6 tháng hay 1 năm. Giá thực tế dao động lên xuống nhưng vẫn nằm trong phạm vi tối thiểu và tối đa. Khi giá cước vượt qua biên độ đó và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp mới tính toán đến chuyện điều chỉnh", ông quyền cho biết.
Ông Quyền cũng cho biết, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài yếu tố đầu vào là xăng dầu thì còn phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường.
Giá xăng tăng, điện tăng: Áp lực đè nặng mục tiêu lạm phát 4%
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực |
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực, trong bối cảnh giá điện tăng cao 8,36% trong tháng 3 và giá xăng cũng liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, việc giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% là một điều không dễ dàng.
"Điều này đòi hỏi sự phối hợp chính sách nhịp nhàng, đặc biệt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả. Theo đó, các mặt hàng do nhà nước quản lý trong lộ trình tăng giá năm nay cần được điều hành hết sức khôn khéo để tránh dồn dập cùng lúc, tránh tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát cũng như hiện tượng “té nước theo mưa”", TS Lực nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, cơ quan chức năng phải tăng cường khâu truyền thông, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng tự ý tăng giá theo giá xăng, giá điện.
Cũng theo chuyên gia này, giá xăng trên thế giới tăng khá mạnh trong thời gian qua, giá xăng tại thị trường Việt Nam sẽ không tránh được đà tăng chung của thế giới.
Về lâu dài chúng ta có thể bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để chúng vận hành theo cơ chế thị trường tuy nhiên phải thực hiện đồng bộ, không bao cấp cả đầu vào và đầu ra. Trước mắt, cần nghiên cứu lộ trình để bỏ quỹ này nhưng TS. Lực khẳng định chắc chắn không thể trong năm nay.
"Năm nay, nếu không giữ quỹ bình ổn xăng dầu thì rất có thể giá xăng sẽ tăng vọt, tác động mạnh đến lạm phát", TS Lực cho biết.
Tác giả: PHẠM DUNG
Nguồn tin: Báo Lao động