Nhân ái

Giấc mơ giảng đường của nữ sinh nghèo, bố bị suy thận giai đoạn cuối

“Em sợ bố mẹ vì quá lo cho việc học của em mà làm lụng quá sức…”. Cô gái nghẹn ngào nói khi cánh cửa đại học đang ở ngay trước mặt, nhưng em sợ vì bố đang bị suy thận giai đoạn cuối.

Những ngày qua, trong căn nhà lụp xụp của gia đình anh Hà Trọng Tập (44 tuổi) và chị Lê Thị Hợp (46 tuổi, ở thôn Nhạ Lộc, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xen lẫn cảm giác buồn vui.

Họ vui vì cô con gái đầu là em Hà Thị Ánh Tuyết (SN 2002), học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, có tổ hợp môn xét tuyển khối C là 28,25 điểm. Nhưng buồn khi mà hoàn cảnh của gia đình quá nghèo để có thể lo cho con bước vào giảng đường đại học.

Căn nhà gia đình em Hà Thị Ánh Tuyết đang ở là của ông bà để lại đã xuống cấp, lụp xụp...

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Tuyết được 28,25 điểm xét tuyển khối C và em cho biết sẽ điều chỉnh nguyện vọng vào ngành Hàn Quốc học của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Với số điểm trên thì cơ hội để bước vào giảng đường đại học với Tuyết là rất lớn. Thế nhưng mọi thứ trước mắt em như một áng mây đen giăng lối bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Em Hà Thị Ánh Tuyết, học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn đạt 28,25 điểm khối C.

“Con nói ra Hà Nội học sẽ đi làm thêm nhưng sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Nhưng để lo cho con thì bố mẹ cũng chưa biết nhìn vào đâu. Đẻ con ra mà không lo được cho con cũng buồn lắm…”, chị Hợp nghẹn ngào khi nghe con gái nhắc đến chuyện đi học đại học.

Còn anh Tập là trụ cột trong gia đình thì đã bị suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận từ năm 2014 đến nay. Hiện mỗi tuần anh Tập phải đi chạy thận 3 lần. Bản thân chị Hợp, cũng từng bị tai nạn giao thông chấn thương vùng đầu, giờ đây, mỗi khi trái gió, trở trời thì sức khỏe bị ảnh hưởng.

Chị Hợp là trụ cột kinh tế của gia đình.

Ngoài làm ruộng, chị làm thêm bánh mì.

Chị Hợp kể: “Ngày hai vợ chồng còn khỏe mạnh, đi làm ở miền Nam, điều kiện gia đình cũng không đến nỗi nào. Nhưng từ ngày anh ấy bị bệnh, những tài sản có giá trong gia đình đều phải bán hết. Nhiều đêm thức dậy làm bánh mì, nghĩ đến hoàn cảnh tủi thân, cứ ngồi khóc thầm không dám cho chồng con biết vì sợ anh ấy suy sụp, các con buồn phiền, rồi lại nuốt nước mắt vào trong tự an ủi chính mình”.

Thương vợ con, nhiều hôm sau khi chạy thận, để tranh thủ kiếm thêm tiền lo cho gia đình, anh Tập còn chở theo túi nilon nhập cho các hàng quán, các chợ trên đường đi từ bệnh viện về.

Anh Tập bị suy thận giai đoạn cuối và đã chạy thận 6 năm nay.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, nhưng Tuyết rất cố gắng vươn lên trong học tập, suốt 12 năm học em luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 8 được giải Ba môn Văn cấp huyện, lớp 9 được giải Nhì môn Văn cấp huyện; năm lớp 10 và lớp 11 em đều được giải Nhì môn Địa cấp tỉnh.

“Bố mẹ luôn ủng hộ, thầy cô giáo, người thân giúp đỡ em mới có điều kiện đi học hết cấp 3. Thầy cô giáo còn cho tiền để mua sách vở, tài liệu. Em sẽ cố gắng để tiếp tục đi học. Khi đi học em sẽ kiếm việc làm thêm, tuy không thể lo được hết toàn bộ chi phí học tập, nhưng em cố gắng lo được phần nào hay phần đó, để bố mẹ đỡ vất vả hơn”, Tuyết mong muốn.

Tuyết mong muốn được vào đại học, nhưng điều kiện kinh tế gia đình khiến em lo lắng cho tương lai của mình.

Giờ đây, dù sức khỏe không được tốt, nhưng chị Hợp lại trở thành trụ cột kinh tế cho cả gia đình, lo chi phí điều trị bệnh cho chồng. Ngoài làm ruộng, đêm đến chị Hợp tranh thủ làm bánh mì để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Còn anh Tập, tranh thủ những ngày không đi chạy thận, anh lại rong ruổi đi bán túi bóng để phụ giúp vợ con.

Nhắc đến học trò của mình, cô Lê Thị Hiên, giáo viên chủ nhiệm của Tuyết chia sẻ: “Gia đình em Tuyết cực kỳ khó khăn, 3 năm học cấp 3, nhà trường đều miễn các khoản đóng góp cho em. Bố thì chạy thận giai đoạn cuối, có thời điểm, gia đình không cho em đi học, cô phải động viên thì gia đình mới đồng ý để em tiếp tục đi học. Lúc bố ốm, lúc mẹ ốm nên kinh tế gia đình rất khó khăn, không có tiền trang trải cuộc sống, chữa bệnh…

Dù gia cảnh khó khăn song em luôn biết vươn lên nghịch cảnh, trở thành học sinh giỏi của trường. Tuyết xứng đáng là tấm gương vượt khó cho nhiều bạn khác noi theo”.

Tuyết phụ giúp bố mẹ một số công việc trong gia đình.

“Cũng vì bố mẹ quá khó khăn, không thể chu cấp hết được nên em nghĩ vừa học, vừa làm mình có thể trang trải một phần chi phí, vừa có thể học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống cho mình sau này. Em sợ rằng bố mẹ vì quá lo cho việc học hành của em mà làm lụng quá sức. Với em, đây mới chỉ là bắt đầu, còn cả chặng đường dài phía trước…”, Tuyết lo lắng.

Từng giọt nước mắt lã chã rơi trên gương mặt của chị Hợp và tiếng thở dài của anh Tập khiến không khí ngôi nhà càng u sầu hơn… Với Tuyết giờ đây chỉ có một niềm đam mê, một khát vọng được đi học… còn lại hoàn cảnh gia đình của em thì chẳng có gì để đảm bảo cho em bước vào cánh cửa giảng đường đại học.

Tranh thủ những ngày không đi chạy thận, anh Tập đi bán túi bóng.

“Cũng vì bố mẹ quá khó khăn, không thể chu cấp hết được nên em nghĩ vừa học, vừa làm mình có thể trang trải một phần chi phí, vừa có thể học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống cho mình sau này. Em sợ rằng bố mẹ vì quá lo cho việc học hành của em mà làm lụng quá sức. Với em, đây mới chỉ là bắt đầu, còn cả chặng đường dài phía trước…”, Tuyết lo lắng.

Từng giọt nước mắt lã chã rơi trên gương mặt của chị Hợp và tiếng thở dài của anh Tập khiến không khí ngôi nhà càng u sầu hơn… Với Tuyết giờ đây chỉ có một niềm đam mê, một khát vọng được đi học… còn lại hoàn cảnh gia đình của em thì chẳng có gì để đảm bảo cho em bước vào cánh cửa giảng đường đại học.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Em Hà Thị Ánh Tuyết

Địa chỉ: Thôn Nhạ Lộc, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

ĐT : 0969838435

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP