Tin trong tỉnh

Giải quyết và trả lời đầy đủ 100% các kiến nghị và nội dung được yêu cầu

Báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và thực hiện kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời đầy đủ 100% các kiến nghị và nội dung được yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và thực hiện kết luận phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII

Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá XVIII có 64 ý kiến, kiến nghị trước kỳ họp; 24 ý kiến, kiến nghị trong và sau kỳ họp được gửi đến UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng; công thương; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; tài chính; văn hóa và thể thao; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế, bảo hiểm xã hội; nội vụ; tư pháp, quốc phòng - an ninh.

Quang cảnh kỳ họp diễn ra sáng nay

Cụ thể, trước phản ánh hệ thống mương tưới tiêu Jica qua địa bàn xã Diễn Hạnh chưa phát huy được công năng sử dụng, xã Diễn Hạnh không được thụ hưởng nguồn nước này, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bàn giao hệ thống kênh mương để đưa vào tưới tiêu. Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hệ thống mương tưới tiêu Jica qua địa bàn xã Diễn Hạnh thuộc hạng mục đầu tư nâng cấp kênh N8 về đến xã Diễn Hạnh là K12 nên tổn thất nhiều, hơn nữa đoạn kênh từ K0 đến K2 có nhiều đoạn thành kênh bị sập, thành kênh đoạn này lại được xây bằng đá hộc nên nước rò rỉ và thất thoát nhiều. Hiện nay chủ đầu tư đã bổ sung khắc phục bằng hình thức đổ bọc bê tông cốt thép thành kênh đoạn này vào gói thầu KN20 nhằm hạn chế thấp nhất sự thất thoát nước và nâng thành kênh thêm 25cm để khắc phục tổn thất. Sau khi hoàn thành chủ đầu tư sẽ bàn giao quy trình bảo trì cho đơn vị quản lý vận hành để đảm bảo cấp nước tốt nhất.

Trả lời kiến nghị về việc lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông tại ngã tư cây xăng đường 46 giao nhau giữa phường Nghi Tân và xã Khánh Hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho hay: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư cây xăng đường 46 giao nhau giữa phường Nghi Tân và xã Khánh Hợp là hạng mục của dự án đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính phạm vi nút giao đã cơ bản hoàn thành (còn vướng một số hộ dân tại các nhánh vuốt nối); hiện nay, Sở Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo thi công nền đường, dự kiến hoàn thành lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu trong tháng 12/2023.

Đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu báo cáo trình tại kỳ họp

Đối với kiến nghị của cử tri xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng Nhà máy nước sạch cho địa bàn các xã: Trung Phúc Cường, Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn. Về nội dung này, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo đề xuất “Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)” trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới. Dự án thực hiện tại 19 xã thuộc 3 huyện Nam Đàn, Yên Thành và Hưng Nguyên với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch một cách bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại những khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An, giúp người dân nông thôn vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt được tiếp cận nước sạch đạt quy chuẩn Bộ Y tế; đồng thời phát triển hạ tầng nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, các xã Trung Phúc Cường, Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn đã được đưa vào Tiểu dự án 1: Xây dựng 01 nhà máy cung cấp nước sạch liên xã vùng 05 Nam của huyện Nam Đàn (4 xã Nam Kim, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn và Thượng Tân Lộc); Vị trí đặt nhà máy tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn; công suất dự kiến tối thiểu: 8.000m3/ngày đêm; cấp nước cho 12.300 hộ. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Nếu dự án được phê duyệt, tỉnh Nghệ An sẽ sớm triển khai xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân tại các xã nói trên...

Đối với việc thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Về công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ: Đến nay, cơ bản các địa phương, đơn vị đã có báo cáo kiểm tra hiện trạng công trình trước lũ; thống kê các công trình hư hỏng, xuống cấp. Các địa phương, đơn vị đang lập và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp các công trình thuỷ lợi trên địa bàn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh hướng dẫn các địa phương, đơn vị chuẩn bị tốt công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng.

Mặt khác, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai; đẩy mạnh phòng ngừa thiên tai, sự cố; tăng cường kiểm tra; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai: Công tác dự báo, cảnh báo đáp ứng được yêu cầu khi xảy ra thiên tai. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Tính đến ngày 31/5/2023, UBND tỉnh đã trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh với số kinh phí 25,167 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hai do thiên tai năm 2021 và năm 2022 gây ra.

Về việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh và bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện kịp thời, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

Công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin được tích cực triển khai; Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 được UBND tỉnh triển khai mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn được ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý, điều hành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông 4 cấp; 100% xã sử dụng chữ ký số; sử dụng các phần mềm chuyên ngành khác như kế toán, địa chính, tư pháp... Các sản phẩm OCOP của các xã nông thôn mới nâng cao đều được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An triển khai 03 Chương trình MTQG với tổng kế hoạch vốn dự kiến là 10.722.310 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 7.595.030 triệu đồng. Địa phương đã bố trí vốn đối ứng lồng ghép từ các nhiệm vụ chi thường xuyên và các Đề án chính sách trên địa bàn tỉnh là 566.800 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 226.800 triệu đồng. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo chính sách tiền lương và an sinh xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt; đồng thời phải ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các dự án, công trình trọng điểm theo cam kết của tỉnh. Do đó, kinh phí đối ứng vốn đầu tư phát triển được lồng ghép theo các dự án đầu tư theo địa bàn và kinh phí sự nghiệp chủ yếu được tỉnh lồng ghép bố trí trong các nhiệm vụ chi thường xuyên. Đối với kinh phí đối ứng nguồn sự nghiệp từ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025, trong quá trình xây dựng dự toán và điều hành ngân sách địa phương hàng năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục trình HĐND tỉnh bố trí theo quy định.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP