Tin trong tỉnh

'Giám đốc Công an không có Tết đâu'

“Giám đốc Công an không có Tết đâu, 2/3 thời gian dành cho đơn vị, mình là lãnh đạo thì phải làm gương cho anh em”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ với VietNamNet.

Anh em phải gồng mình lên để làm

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ, đối với người Việt, Tết là khoảng thời gian quý báu để tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống, để được quây quần ấm cúng bên gia đình. Tuy nhiên, với ngành công an lúc đất nước vui, mọi người được về đoàn tụ với vợ con, gia đình thì anh em lại vất vả để đảm bảo trật tự. Đó là thực tiễn xưa nay.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu

Ông kể, cứ mỗi dịp Tết, trước 1- 2 tháng, Bộ Công an bao giờ cũng ra lệnh truy quét tội phạm để đảm bảo an toàn, vui tết đón xuân của nhân dân.

“Đây là thời điểm anh em phải gồng mình lên để làm. Nếu dân còn phản ánh tình hình an ninh trật tự ở đây còn phức tạp thì thủ trưởng ở đó phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, lực lượng công an phải chia ra các tổ đội, cán bộ chiến sĩ ngày đêm lăn lộn tìm ra đầu mối để mà làm triệt để”, Đại tá Cầu nói.

Theo ông, trong phòng chống tội phạm cũng như giữ an ninh trật tự, anh em công an luôn chủ động, không đợi sự việc xảy ra rồi mới đi điều tra, xử lý.

Giao thông dịp Tết là một vấn đề phức tạp, lúc tắc đường thì lực lượng công an phải ra hướng dẫn giao thông, nhất là bắt đầu từ mùng 8-9/12 âm đã phải làm, đến mùng 1-2 Tết vẫn phải ra đường hướng dẫn giao thông.

Hay trước Giao thừa, công an tỉnh lập 21 đoàn đi kiểm tra xem có việc đốt pháo hay không, nếu xảy ra nhiều trên địa bàn nào thì thủ trưởng nơi đó phải bị trừ thi đua, thậm chí bị kỷ luật.

Các lực lượng được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự trong đêm giao thừa. Ảnh: Báo Nghệ An

Còn nếu xảy ra các vụ trọng án lớn trong những ngày Tết như giết người, cướp tài sản có tổ chức hoặc vụ gây rối lớn thì Giám đốc Công an tỉnh sẽ điều động tất cả, không kể bất cứ lực lượng nào, đến xử lý, ổn định tình hình.

“Anh em đến cơ quan trực Tết, khi làm việc vẫn mặc quân phục chỉnh tề, không mặc thường phục, khi xảy ra vụ án là có mặt ngay”, ông Cầu nói và cho hay, đó là những công việc đã thành quen và mọi người đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Giám đốc Công an Nghệ An chia sẻ thêm, Tết thường xảy ra các vụ đánh nhau do say rượu, có vụ xảy ra thương vong. anh em công an phải bỏ cả Tết xuống địa bàn, kiểm tra xử lý các vụ việc xảy ra.

Mình phải làm gương cho anh em

Với bản thân mình, Đại tá Cầu cho hay, Tết của Giám đốc Công an là ngày qua ngày cảm thấy người dân có được cuộc sống bình yên, khi đó sẽ không còn phải lo lắng. Ngược lại, khi xảy ra sự việc gì là cả ngày phải đọc tài liệu, hồ sơ để nhận định tình hình, đưa ra hướng xử lý.

“Giám đốc Công an không có Tết đâu, 2/3 thời gian dành cho đơn vị, mình phải làm gương cho anh em. Gia đình đã quen công việc của tôi nên cũng rất chia sẻ”, ông Cầu bày tỏ.

Nói về điều thích làm trong ngày Tết, đại tá Nguyễn Hữu Cầu vui vẻ bảo, cứ đến đêm Giao thừa là cả đơn vị khoảng 200 - 300 quân tập trung rất đông ở cơ quan. Khi đó, Giám đốc Công an tỉnh lên chúc Tết anh em.

“Lúc đó mỗi người một ly rượu vang, một miếng bánh tét, một ít giò và củ hành là coi như xong cái Tết vào đêm 30 để cho anh em bắt đầu triển khai đi kiểm tra tình hình an ninh ở các địa bàn”, đại tá Cầu kể và nói thêm, do nghề đã sinh ra như vậy nên không ai có thể than vãn chuyện này.

"Vụ Yên Khê ở huyện Con Cuông xảy ra vào năm 2012, lúc đó tôi xin nghỉ phép đưa 2 con trai sinh đôi đi thi đại học. Khi chuẩn bị tất cả sẵn sàng để hôm sau đưa các con ra Hà Nội đi thi thì tối hôm đó xảy ra vụ việc.

Bí thư tỉnh điện thoại, Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải đi ngay, tôi phải gác lại việc gia đình lên tận Con Cuông xử lý xong ổn định mọi việc. 12h đêm hôm đó tôi ra Hà Nội để sáng kịp cho 2 cháu đi thi", đại tá Cầu kể.

Tác giả: Hương Quỳnh - Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP