Địa bàn hoạt động của nhóm đối tượng này là những khu vực có kinh tế phát triển như TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và các huyện lân cận. Đối tượng hành nghề chủ yếu là từ Nghệ An vào, thuê nhà ở, đi dán quảng cáo cho vay và đòi nợ thuê.
Các đối tượng này hoạt động dưới danh nghĩa cho vay tài chính, cầm đồ. Đa số là giao dịch dân sự, người vay và người cho vay thỏa thuận ngầm với nhau mà không cần thông qua bất cứ loại giấy tờ gì, thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao hơn gấp nhiều lần quy định.
Kỳ họp thứ 8, Khóa XVII HĐND tỉnh Quảng Bình |
Các đối tượng cho vay thường là dân “anh chị” có tiền án tiền sự, hoặc các băng nhóm hoạt động bảo kê theo kiểu xã hội đen, vì thế, hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng lợi dụng việc người dân thiếu hiểu biết, không có tài sản thế chấp, để cho vay với giá cắt cổ. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn thì các đối tượng này gây áp lực, ném sơn, tạt nước mắm vào nhà. Thậm chí, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích hoặc bắt giữ người trái pháp luật.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vào ngày 8/12/2108, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hoạt động tín dụng đen trên địa bàn làm tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 44 băng nhóm với 277 đối tượng, chủ yếu đến từ tỉnh Nghệ An”.
“Tín dụng đen hay còn gọi là tín dụng phi chính thức đang tồn tại dưới nhiều hình thức. Đây là tín dụng dân sự, không thông qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, không được cấp phép, không có quy định và không chịu quản lý của bất cứ cơ quan nào”, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn nói thêm.
Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, nói đến tín dụng đen tức là nói đến giao dịch ngầm. Kể cả người vay và người cho vay đều không muốn cho mọi người biết, không thông qua nguyên tắc, thủ tục nào. Lãi suất cho vay của tín dụng đen cao hơn lãi suất của ngân hàng, do thỏa thuận giữa người vay và người cho vay. Thủ tục cho vay rất đơn giản, đôi khi không cần tài sản thế chấp. Đây là một giáo dịch dân sự, giải quyết nhanh, đáp ứng nhu cầu của người cần vay.
Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình nói về tín dụng đen |
Thiếu tướng Sơn khẳng định: “Đối với lực lượng Công an, chúng tôi sẽ tăng cường công tác điều tra, phát hiện tình hình để đấu tranh xử lý, công tác phòng ngừa. Trong đợt tới này sẽ ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm để đảm bảo cho nhân dân thực sự yên bình”.
Liên quan đến hoạt động này, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội, chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo không có tài sản thế chấp, được vay vốn làm ăn, kinh doanh. Để người dân không rơi vào vòng xoáy tín dụng đen bất hợp pháp.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: infonet.vn