Tin trong tỉnh

Giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thực hiện Dự án Hồ chứa nước bản Mồng

Sáng 20/9, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tổ chức buổi giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 về nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thực hiện Dự án Hồ chứa nước bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Về phía tỉnh, tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Đoàn công tác đi khảo sát thực tế việc trồng rừng thay thế thực hiện Dự án tại xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu)

Hiện nay các chủ rừng đã và đang triển khai trồng 233,36 ha thay thế thực hiện Dự án

Đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa về các hạng mục công trình đã triển khai của Dự án như: Công trình trồng rừng thay thế thực hiện Dự án tại xã Tân Thắng, xã Quỳnh Trang huyện Quỳnh Lưu; kiểm tra các khu tái định cư phục vụ ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng Dự án tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.

Sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo về tiến độ thực hiện Dự án; việc chuyển mục đích sử dụng rừng; công tác ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án; những khó khăn, tồn tại của Dự án...

Quang cảnh buổi làm việc

Tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2022, Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Trong đó, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được phép chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác là 544,77 ha, gồm: Rừng tự nhiên 130,25 ha; rừng trồng 414,52 ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 360,12 ha, gồm tương ứng với số kinh phí trồng rừng thay thế chủ đầu tư phải nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh là 24,155 tỷ đồng.

Chủ đầu tư đã nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh với số tiền 20 tỷ đồng. Như vậy, số tiền còn nợ so với số tiền phải nộp đối với diện tích đã chuyển đổi là hơn 4,1 tỷ đồng.

Đ/c Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình triển khai dự án

Đến nay, các chủ rừng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán và đang triển khai trồng 233,36 ha/392,7 ha rừng tương đương với kinh phí 10,5 tỷ đồng/ 17,6 tỷ đồng. Tổng số tiền chủ đầu tư cần tiếp tục bố trí để thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo Nghị quyết của Quốc hội và theo Phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 16,2 tỷ đồng. Trong đó: hơn 4,1 tỷ đồng đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng chưa nộp tiền và hơn 12,1 tỷ đồng đối với phần diện tích chưa được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Tuy vậy, việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế theo Phương án đã được phê duyệt dẫn đến việc phải tăng vốn cho hạng mục này trong thời gian tới do giá cả vật tư, nhân công để thực hiện công tác trồng rừng này càng tăng cao. Theo đó, tổng kinh phí trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Nghệ An được rà soát lại là 52,83 tỷ đồng. UBND tỉnh đã báo cáo Bộ NN&PTNT, tiếp trình Thủ tướng Chính phủ phần kinh phí còn lại phải nộp theo đơn giá mới là 32,83 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc xác định hiện trường trồng rừng thay thế tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn do quy định phải trồng trên đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại thời điểm hiện nay, đơn giá trồng rừng được dự toán lớn hơn rất nhiều so với đơn giá được thu của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng là 45 triệu đồng/ha (đơn giá trồng rừng phòng hộ, đặc dụng bình quân trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng trên 90 triệu đồng/ha).

Riêng cụm công trình đầu mối hồ chứa nước được khởi công xây dựng năm 2010, đến nay đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, theo tiến độ ban đầu sẽ hoàn thành công trình đầu mối vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, do kinh phí Hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng cao và gặp vướng mắc về thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nên không giải phóng được mặt bằng lòng hồ.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo với Quốc hội có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư và bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2026.

Cùng với đó, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT, trong đó xem xét mở rộng thêm đối tượng trồng rừng như: Cho phép trồng lại rừng trên đất đã khai thác rừng trồng thuộc quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; xem xét cho phép đầu tư hạng mục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng để đảm bảo diện tích rừng đã được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nói riêng và các dự án khác nói chung được trồng rừng thay thế ngay tại địa bàn tỉnh.

Đồng thời, bố trí bổ sung kinh phí trồng rừng thay thế cho Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng để đảm bảo thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng thay thế theo quy định của pháp luật.

Đoàn công tác kiểm tra khu tái định cư tại Đập phụ 1 (huyện Quỳ Châu)

Đoàn giám sát nghe báo cáo tình hình triển khai quy hoạch tái định cư tại khu đập phụ 1 cho 24 hộ

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đến nay đã có 170 hộ gia đình thuộc diện phải di dời tái định cư được bồi thường, hỗ trợ đầy đủ theo quy định của nhà nước có cuộc sống ổn định, tốt hơn so với nơi ở cũ.

Hiện, UBND huyện Quỳ Châu đang triển khai xây dựng 02 khu tái định cư xen dắm là Khu 1 sau đập phụ 1 và Khu 2 ở Dốc 77. Những hộ dân chưa chuyển ra khu tái định đang ở xen dắm, đồng thời được hỗ trợ tiền thuê nhà ở.

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu báo cáo công tác bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn

Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị quan tâm làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư, nhất việc bố trí diện tích đất ở, đất sản xuất, địa điểm lựa chọn tái định cư; đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến việc đầu tư hệ thống trạm bơm; việc trồng rừng thay thế, nhất là đơn giá trồng rừng...

Đ/c Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã được thực hiện trong thời gian dài. Sau các kỳ giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều ý kiến với Quốc hội, so với kỳ giám sát năm 2022, hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Bởi vậy, rất mong UBND tỉnh Nghệ An phải quyết tâm mạnh mẽ hơn trong triển khai thực hiện Dự án, phải thực hiện rà soát và thống nhất số liệu xác thực trong quá trình thực hiện Dự án.

Đối với việc trồng rừng thay thế thực hiện Dự án, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao việc bố trí quỹ đất để trồng rừng của tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội.

Để có có cơ sở báo cáo với Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể, chính xác số hộ dân ảnh hưởng bởi Dự án; cung cấp đầy đủ các quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; sơ đồ trồng rừng thay thế và thống kê số liệu hàng năm; các kiến nghị của tỉnh...

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/01/2006; Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ.BNN-XD ngày 26/5/2009. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do Bộ NN&PTNT quản lý.

Dự án gồm 04 hợp phần:

Hợp phần Công trình đầu mối, hệ thống kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ Bản Mồng (do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư.

Hợp phần Các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh, công trình trên kênh kèm theo (do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư.

Hợp phần Bồi thường, GPMB, di dân, tái định cư, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư.

Hợp phần Công trình thuỷ điện (do Tổng công ty Cơ điện, xây dựng Nông nghiệp và Thuỷ lợi – AGRIMECO nay đổi tên là Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng - CTCP làm Chủ đầu tư.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP