Canh cánh nỗi lo “theo nghề, nghề phụ”
Đó là nỗi lòng của cô giáo Đỗ Thị An, giáo viên dạy môn Toán trường THCS Phương Độ, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội, với gần 20 năm gắn bó với nghề.
“Tôi bắt đầu đi dạy hợp đồng từ năm 2000 với mức lương 180.000 đồng/tháng. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, tôi khó khăn vì lấy chồng tận Ba Vì, trường cách nhà 25km. Nhà xa, con nhỏ nhưng vì yêu nghề nên tôi vẫn bám trường, bám lớp và luôn hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cứ ngỡ, mình yêu nghề, sống hết mình với nghề thì có ngày tôi sẽ được ghi nhận, được trở thành một người giáo viên đúng nghĩa.
Nhưng, khi sở Nội vụ TP.Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu thi tuyển viên chức giáo dục vào tháng 3/2019 thì số phận của tôi cũng như đội ngũ giáo viên hợp đồng trên địa bàn TP.Hà Nội trở nên lận đận...”, cô An bắt đầu câu chuyện.
Thoáng im lặng, cô giáo Đỗ Thị An tiếp tục chia sẻ: “Bản thân tôi tự biết năng lực của mình chỉ có hạn, bởi thời của chúng tôi, không được học tiếng Anh thì bây giờ làm sao tôi thi nổi? Hiện giờ, tôi đi học tiếng Anh không khác gì một đứa trẻ mầm non tập đọc chữ cái tiếng Việt. Ở cái tuổi hơn 40, tôi làm sao có thể thi đấu được với lớp trẻ? Tôi đành ngậm ngùi đi kiếm việc khác dần, nếu không, khi huyện chấm dứt hợp đồng, tôi biết lấy gì nuôi con, chăm sóc mẹ già...
Chỉ khổ cái là, ở tuổi này, không ai chịu nhận... Tôi đã cố gắng tranh thủ những ngày nghỉ đi gõ cửa các nhà máy, xí nghiệp... và tất cả những nơi có thể, nhưng tôi đều bị từ chối. Tôi thực sự cảm thấy cay đắng, tủi thân vì gần 20 năm cống hiến cho giáo dục, gần 20 năm làm nghề cao quý, mà giờ đây nghề lại phụ mình, đẩy mình gần như vào ngõ cụt...”.
Nỗi canh cánh "theo nghề, nghề phụ" vẫn đeo đẳng giáo viên hợp đồng... |
“Khi bộ Nội vụ có công văn chỉ đạo xét đặc cách giáo viên hợp đồng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hứa sẽ bổ sung 3.000 chỉ tiêu để giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng tồn tại suốt hơn 20 năm qua. Tôi vui mừng khôn xiết, giống như “người sắp chết đuối vớ được cọc”, yên tâm giảng dạy và chờ đợi.
Ấy vậy mà, ngày 31/12/2019, tôi và đội ngũ giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên hợp đồng bậc THCS đã bị “dội nước lạnh giữa mùa đông”. Trong buổi hội nghị gặp mặt giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, ông Vương Tá Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện đã thông báo danh sách giáo viên hợp đồng bậc THCS đủ điều kiện xét đặc cách là 90 giáo viên, nhưng trong kỳ thi viên chức giáo dục ngày 17/111/2019, huyện Phúc Thọ đã tuyển gần đủ giáo viên, giờ chỉ còn 34 chỉ tiêu để xét đặc cách.
Theo đó, 56 giáo viên hợp đồng còn lại dù đủ điều kiện cũng không được xét đặc cách. Vậy, họ sẽ đi về đâu? Họ sẽ làm gì khi đã dành cả tuổi thanh xuân cho giáo dục huyện nhà... Nếu đội ngũ giáo viên hợp đồng không được xét đặc cách thì con số 2.692 chỉ tiêu do HĐND TP.Hà Nội thông qua sẽ để làm gì, để cho ai?”, cô An bày tỏ nỗi băn khoăn.
Không được phân công giảng dạy, phận nghề về đâu?
Chung nỗi lo lắng với cô An, cô giáo Đỗ Thị Ngoan, giáo viên hợp đồng tại trường THCS Võng Xuyên B, huyện Phúc Thọ cũng chia sẻ: “Từ năm 2012, UBND huyện Phúc Thọ ký hợp đồng lao động với tôi. Trong quá trình công tác, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 5/1/2019, bộ Nội vụ ra công văn 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách, bản thân tôi rất vui mừng trước thông tin trên vì thấy được cơ hội mở ra cho chúng tôi cống hiến với nghề.
Tuy nhiên, UBND huyện Phúc Thọ chưa ra thông báo về việc tiếp tục hợp đồng lao động đối với giáo viên chúng tôi sau ngày 31/12/2019 và yêu cầu chúng tôi về báo cáo với Hiệu trưởng các trường tiếp tục sắp xếp chuyên môn, chờ UBND huyện ra thông báo. Một số trường đã không phân công chuyên môn giảng dạy cho chúng tôi với lý do không nhận được thông báo từ cấp trên, chúng tôi đang rất hoang mang, liệu mình vẫn được tiếp tục hợp đồng hay không?”.
Bên cạnh đó, giáo viên hợp đồng huyện Đan Phượng vẫn chưa nhận được danh sách công khai giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển đặc cách.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, giáo viên hợp đồng tại trường mầm non Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Chiều ngày 6/1, tôi cùng một số giáo viên đại diện đội ngũ giáo viên hợp đồng huyện Đan Phượng đã lên phòng Nội vụ huyện hỏi về danh sách công bố, tuy nhiên, nhận được những câu trả lời vòng vo, không thỏa đáng.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu bế con nhỏ 5 tháng tuổi lên phòng Nội vụ thắc mắc về danh sách giáo viên công khai. |
Chúng tôi thắc mắc, vì sao danh sách công khai giáo viên hợp đồng tại các trường công lập chỉ có trên cổng thông tin điện tử, trong khi công văn của sở Nội vụ yêu cầu công khai về trường và các trụ sở UBND. Chính vì vậy, một số giáo viên thậm chí không biết mình có tên trong danh sách vì không theo dõi được, cũng không biết thông tin trên đó bị sai. Phòng Nội vụ nói sẽ sửa lại thông tin nhưng sẽ không công khai lại nữa, nếu vẫn còn sai thông tin thì chúng tôi làm sao biết được.
Tôi đang nghỉ chế độ, tuy nhiên đến hết tháng 1/2020, tôi sẽ hết hợp đồng, liệu tôi có được tiếp tục gắn bó với nghề hay không?!”.
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi sở Nội vụ Hà Nội yêu cầu công khai danh sách, nhiều giáo viên vẫn thấp thỏm lo lắng, không biết mình có được xét tuyển đặc cash hay không. Câu hỏi chung của các thầy cô lúc này là, liệu tất cả giáo viên hợp đồng có được xét tuyển đặc cách, tiếp tục gắn bó với nghề, hay sẽ thất nghiệp sau bao năm cống hiến?
Tác giả: Cẩm Mịch
Nguồn tin: Báo Người đưa tin