Trong nước

Hà Tĩnh điều tra tình trạng bảo kê, nâng giá dịch vụ máy gặt lúa

Nhiều chủ máy gặt được chính quyền liên hệ về để gặt lúa cho dân, song họ đều rút lui vì bị một nhóm người đe dọa "cắt đường làm ăn".

Đầu tháng 9, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Tại xã Kỳ Xuân, diện tích đồng lúa khoảng 70 ha đã chín rộ, nông dân cần nhiều máy gặt để kịp đưa lúa từ đồng về nhà, song cả xã chỉ có một máy gặt phục vụ họ với giá cao hơn bình thường.

"Chúng tôi thuê máy gặt lúa với giá giao động 170.000 đồng đến 180.000 đồng mỗi sào, đắt hơn trước đây khoảng vài chục nghìn, nhưng cũng phải xếp hàng mới thuê được vì trên địa bàn chỉ có một máy hoạt động", ông Nam ở xã Kỳ Xuân nói.

Theo một số người dân, các năm trước khi đến mùa vụ, xã luôn đi liên hệ nhiều máy gặt lúa về để nông dân lựa chọn. Năm nay, nhiều chủ máy gặt đã đến nhưng đột ngột quay đi mà không rõ lý do.

"Lúa đã chín nên tôi buộc phải trả 180.000 đồng mỗi sào cho chủ máy gặt đến từ Bình Định, kịp thời làm đất cho vụ sau", một người dân nói và cho hay chủ máy gặt này được người dân trong huyện thuê về rồi "bỗng nhiên trở thành nhà cung cấp dịch vụ gặt lúa độc quyền".

Chiếc máy gặt duy nhất trên đồng lúa ở xã Kỳ Xuân. Ảnh: Đức Hùng

Ông Lê Đình Đức, Trưởng công an xã Kỳ Xuân cho biết, vụ mùa năm nay, xã đã liên hệ với nhiều chủ máy gặt để đến cung cấp dịch vụ gặt lúa cho người dân. Căn cứ tình hình thực tế, địa hình đồng ruộng, mức giá phải có sự thống nhất giữa chủ máy gặt và người dân, giao động từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng mỗi sào.

"Hôm trước, xã liên hệ với một chủ máy gặt ở Thanh Hóa. Song khi chở máy gần đến nơi thì họ gọi điện thông báo không vào gặt nữa. Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho người phương tiện, nhưng chủ máy gặt đó vẫn từ chối, lo sợ sẽ bị trả thù khi đến gặt lúa thuê ở Kỳ Xuân", ông Đức nói.

Một cán bộ ở thôn Quang Trung (xã Kỳ Xuân) thông tin, tình trạng bảo kê, độc quyền máy gặt chỉ mới diễn ra trên địa bàn xã trong thời gian gần đây. Theo vị này, có một nhóm người trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã thuê chủ máy gặt lúa ở tỉnh khác về, hứa sẽ bảo kê cho làm việc mà không phải cạnh tranh với chủ máy gặt nào khác.

Nhiều nông dân ở Kỳ Xuân phải gặt tay khi không thuê được máy. Ảnh: Đức Hùng

"Nếu thu 180.000 đồng mỗi sào, chủ máy gặt chỉ được trả từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng, số còn lại chia cho nhóm bảo kê. Năm 2017, thôn chúng tôi thuê hai máy gặt về, lập tức bị nhóm người lạ mặt tới đe dọa cắt đường làm ăn. Các chủ máy gặt này lo sợ nên phải đưa máy đi nơi khác", cán bộ thôn Quang Trung nói.

Trưởng công an xã Kỳ Xuân cũng xác nhận, trên địa bàn hiện chỉ có một máy gặt duy nhất làm dịch vụ, chủ máy đến từ Bình Định, thu giá cao hơn so với niêm yết (từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng).

"Chính quyền đã nhiều lần mời người này lên làm việc song ông ta không chấp hành mức giá niêm yết, và còn dọa nếu không chấp nhận mức giá 180.000 đồng mỗi sào thì sẽ chuyển máy đi nơi khác. Do xã chưa thuê được máy gặt khác, người dân thì nóng ruột muốn gặt cho nhanh nên phải chấp nhận mức giá cao", ông Lê Đình Đức nói.

Sáng 12/9, nhà chức trách huyện Kỳ Anh cho biết vừa có cuộc họp để chấn chỉnh tình trạng thu giá gặt lúa, yêu cầu không thu quá 160.000 đồng mỗi sào; phối hợp với các bên liên quan điều tra việc độc quyền máy gặt trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP