Kinh tế

Hà Tĩnh: Hết hạn thuê đất, nhiều doanh nghiệp 'chây ì' không chịu di dời tài sản

Nhiều doanh nghiệp ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) không chịu thực hiện di dời máy móc, thiết bị để trả lại đất cho nhà nước khi hết hạn thuê đất.

4 năm 'chây ì' không trả đất Nhà nước

Thông tin phóng viên Báo Công Thương có được, Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh (có trụ sở tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An), được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho thuê 10.800m2 đất để thực hiện Dự án xây dựng trạm trộn bê tông nhựa tại khu vực bãi Nang Na, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, thời hạn thuê đất là 5 năm.

Đến tháng 2/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Dự án xây dựng trạm trộn bê tông nhựa tại phường Đậu Liêu không phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn nên từ chối gia hạn thời gian thuê đất đối với Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh. Việc thực hiện hồ sơ, thủ tục trả lại đất và thực hiện di dời tài sản của công ty ra khỏi diện tích đã được UBND tỉnh cho thuê trước đây, hoàn thành trong tháng 3/2021.

Dự án xây dựng trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã hết thời hạn thuê đất. Ảnh: Trọng Tùng


Đến ngày 28/4/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1009/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật.

Cụ thể, UBND tỉnh quyết định thu hồi 10.800 m2 đất tại phường Đậu Liêu, TX. Hồng Lĩnh của Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh. Lý do thu hồi do hết thời hạn sử dụng đất nhưng không được gia hạn theo Văn bản số 783/UBND-KT ngày 8/2/2021 về việc không đồng ý gia hạn thời gian thuê đất đối với dự án xây dựng trạm trộn bê tông và giao toàn bộ diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính Hà Tĩnh để quản lý.

Đến nay, đã 4 năm trôi qua nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa có động thái chấp hành. Toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, máy móc, vật liệu… vẫn nằm trên khu đất của Nhà nước.

Toàn bộ máy móc, thiết bị của Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh vẫn nằm trên khu đất, chưa di dời. Ảnh: Trọng Tùng


Nằm cạnh đó là bãi chế biến của Hợp tác xã Khai thác đá Tân Hồng và trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Phát triển công nghiệp, xây lắp và thương mại Hà Tĩnh (do ông Trần Duy Phú đứng tên). Dù đã dừng hoạt động, hết hạn thuê đất nhưng các doanh nghiệp vẫn không chịu di dời tài sản, máy móc, trực tiếp cản trở tiến độ triển khai dự án Khu công nghiệp Cổng Khánh 3, gây ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung của địa phương.

Sẽ cưỡng chế nếu tiếp tục không trả

Việc các doanh nghiệp “chiếm giữ” trái phép đất đai của Nhà nước gây ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp chấp hành pháp luật phải chịu thiệt thòi khi không thể tiếp cận được nguồn lực đất đai, trong khi những doanh nghiệp chây ì lại được hưởng lợi bất chính từ việc tiếp tục sử dụng tài sản công.

Tình trạng này đang trực tiếp làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, tạo tiền lệ xấu và gây khó khăn cho công tác thu hồi đất trong tương lai. Niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật cũng bị ảnh hưởng.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng.

Máy móc nằm la liệt, doanh nghiệp “chây ì” di dời gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Ảnh: Trọng Tùng


Ông Võ Đăng Hoan (cán bộ địa chính phường Đậu Liêu) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 2 dự án trạm trộn bê tông nhựa đã hết hạn thuê đất nhưng còn tài sản chưa di dời, gồm Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh và của ông Trần Duy Phú (Công ty CP phát triển công nghiệp, xây lắp và thương mại Hà Tĩnh).

“Hàng năm, phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các dự án, dù đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành các quyết định nhưng họ vẫn không thực hiện. Hiện nay, toàn bộ máy móc, thiết bị sau khi sử dụng vẫn đang bị bỏ lại, lâu lâu họ có vào bảo dưỡng máy móc. Phường đã đề nghị doanh nghiệp làm thủ tục gia hạn thời gian thuê đất, nếu không được tỉnh đồng ý thì yêu cầu thu hồi”, ông Hoan cho biết thêm.

Dự án trạm trộn bê tông nhựa của ông Trần Duy Phú hết hạn thuê đất từ năm 2023. Ảnh: Trọng Tùng


Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Viết Khanh thông tin, những doanh nghiệp hiện nay đang hết hạn thuê đất nhưng không chịu di dời tài sản, chúng tôi sẽ có biện pháp cưỡng chế.

“Riêng Công ty CP 484 - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh xin đến năm 2027 di dời, tháo dỡ thiết bị. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu họ di dời tài sản chậm nhất là ngày 15/4/2025. Nếu không sẽ cưỡng chế”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Hồng Lĩnh khẳng định.

Việc các doanh nghiệp “chiếm giữ” trái phép đất đai của Nhà nước gây ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng.


Tác giả: Trọng Tùng

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP