Xã hội

Hà Tĩnh: Người nghèo ôm nợ vì “nhà từ thiện” hứa cho tiền rồi... biến mất

Được “nhà từ thiện” hứa cho tiền làm nhà tránh lũ, 3 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã vay mượn tiền làm kịp thời theo yêu cầu. Tuy nhiên, khi những ngôi nhà được hoàn thành thì “nhà từ thiện” bỗng dưng... biến mất.

3 hộ dân rơi vào cảnh trớ trêu trên là gia đình ông Trần Văn Trương, bà Đường Thị Hảo và bà Đinh Thị Tý, cùng trú ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Các gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo và trong mỗi gia đình đều có những thành viên tàn tật.

“Rước” nợ vào thân

Khốn khổ nhất là gia đình ông Trương, bản thân đã già cả, sức khỏe yếu lại phải sống với 2 người con mù lòa, vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày đã hết sức vất vả, nay lại bỗng dưng "rước" nợ vào thân.

Già cả, sống với 2 đứa con mù lòa, ông Trương đang vô cùng lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để trả khoản nợ xây nhà mà "nhà từ thiện" hứa cho.

Ông Trương cho biết, cuối năm 2016 (sau trận lũ tháng 10), một nhóm người tự xưng là đại diện cho một nhà hảo tâm ở miền Nam đến nhà khảo sát về hoàn cảnh nhằm hỗ trợ tiền để xây nhà tránh lũ. Sau khi nắm tình hình xong, nhóm người trên hứa sẽ hỗ trợ gia đình ông Trương 40 triệu đồng để xây nhà, nhưng với điều kiện phải xây theo thiết kế của họ.

“Sau khi xem bản thiết kế, thấy nhà xây theo kiểu chòi quá cao và cầu thang quá dốc, không phù hợp với tuổi già và bất tiện cho 2 người con mù lòa, tôi đã xin điều chỉnh lại bằng cách nới cầu thang rộng ra và hạ độ cao xuống. Đề nghị của tôi được chấp nhận. Tôi đã báo lại sự việc với chính quyền địa phương, đồng thời xin xã hỗ trợ thêm kinh phí. Sau một năm xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy tiền của “nhà từ thiện” đâu” – ông Trương kể.

Cũng theo ông Trương, ngôi nhà trên làm hết 120 triệu đồng. Xã đã hỗ trợ 40 triệu, gia đình bán con trâu được 19 triệu, cộng thêm số tiền được ủng hộ trong đợt lũ tháng 10/2016 chừng 10 triệu thì nay gia đình ông vẫn còn nợ trên 50 triệu đồng. "Nhà từ thiện" hứa, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển tiền nên gia đình ông đang lâm vào cảnh nợ nần…

Bi đát không kém gia đình ông Trương là gia đình bà Đinh Thị Tý. Bà Tý đã cao tuổi lại sống cùng với người con trai tật nguyền không có khả năng lao động nên cuộc sống rất khó khăn. Hai mẹ con vốn sống trong căn nhà gỗ 1 gian rất thấp. Một trận lũ nhẹ trên đất Hương Đô cũng đã khiến nhà bà Tý ngập đến cả mét nước. Vì vậy khi được “nhà từ thiện” hứa cho tiền xây nhà tránh lũ gia đình bà liền đi vay mượn thêm, đồng thời nợ tiền vật liệu rồi bắt tay thuê thợ xây ngay nhà mới.

Nếu "nhà hảo tâm" không hỗ trợ như đã hứa thì có lẽ bà Tý và đứa con tật nguyền phải ôm nợ suốt đời.

“Khi nhà xây gần xong, tôi gọi điện báo cho “nhà từ thiện” thì họ thông báo là nhà không phải do thợ của họ xây nên không thể hỗ trợ tiền. Những lần tôi gọi lại sau đó thì họ không cầm máy nữa” - chị Hiền (con bà Tý) cho biết.

“Nhà từ thiện” không rõ tung tích

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, khi chúng tôi hỏi các gia đình trên về thông tin của "nhà từ thiện" như: Địa chỉ, tên tổ chức, người trực tiếp đi khảo sát thì tất cả người dân đều không biết họ ở đâu, thuộc tổ chức nào. Thứ duy nhất người dân còn giữ lại chỉ là các số điện thoại. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ vào những số điện thoại trên thì đều không liên lạc được.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô xác nhận, có 2 người ở Quảng Bình về xã xác minh 3 gia đình trên để hỗ trợ xây nhà tránh lũ. Tuy nhiên, khi xã đề nghị cho biết thông tin cụ thể thì họ từ chối và chỉ trả lời là đại diện cho một nhà từ thiện ở phía Nam đi khảo sát thực tế.

“Khi đề xuất xây nhà tránh lũ nhóm người trên có trình xã bản vẽ thiết kế và yêu cầu phải để nhóm thợ của họ xây. Xây xong mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Nhưng khi xem bản vẽ thấy các kiểu nhà đó chỉ phù hợp ở vùng lũ phía Nam vì nhà vừa hẹp vừa cao, xã có đề xuất nếu làm cho người dân địa phương thì cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Không chỉ có xã Hương Đô, nhóm người từ thiện nói trên còn đến rất nhiều xã trên địa bàn Hương Khê để khảo sát”, ông Lâm thông tin thêm.

Khi được hỏi, lúc người dân xây nhà sao chính quyền địa phương không yêu cầu người dân và đơn vị từ thiện có cam kết rõ ràng để tránh lừa đảo; ông Lâm cho biết, mọi thỏa thuận chỉ diễn ra giữa người dân và nhóm người kia.

“Vì là hoạt động từ thiện nên xã chỉ xác nhận là những hộ nói trên đúng là hoàn cảnh khó khăn và trong gia đình có những thành viên tàn tật.” – ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, nhiều lần xã cũng đã gọi điện theo số của "nhà từ thiện" kia để muốn biết tình hình nhưng họ không cầm máy.

Tác giả: Tiến Hiệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP