Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 1300/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) làm chủ đầu tư ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Trang trại bò sữa của công ty Bình Hà |
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 4.582 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích 2.163, quy mô 254.200 con bò/năm.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch rừng sản xuất ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho công ty Bình Hà 819ha đất.
Trong dự án này, công ty Bình Hà được ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay hơn 2.000 tỉ đồng. Đồng thời, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.
Sau khi được giao đất và “bơm” vốn, công ty Bình Hà ồ ạt giải phóng mặt bằng, sử dụng 86ha đất xây dựng hệ thống chuồng trại, trung tâm điều hành; số diện tích còn lại được quy hoạch trồng cỏ chăn nuôi. Từ quý 3/2015, công ty Bình Hà nhập 30.000 con bò từ Úc đưa về trang trại phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh.
Cổng chính vào trại bò |
Với sự hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh, ngân hàng BIDV và quyết tâm thể hiện ngay từ thời gian đầu dự án của công ty Bình Hà kỳ vọng sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thua lỗ trăm tỷ
Thế nhưng, đến nay sau 3 năm triển khai, dự án này trái với sự kỳ vọng ban đầu.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NNPT&NN Hà Tĩnh), quy mô dự án của trại bò Bình Hà là 254.200 con bò/năm nhưng trên thực tế, trong 3 năm triển khai, trại bò này mới chỉ nhập về gần 44.000 con bò. Mỗi năm trung bình nhập về 15.000 con, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Văn Dũng, TGĐ Công ty Bình Hà. Ảnh: HTTV |
“Đến thời điểm này, đàn bò tại trang trại chỉ còn gần 800 con, sắp tới công ty Bình Hà có kế hoạch chuyển thêm 300 con từ tỉnh Gia Lai về, lên thành hơn 1.000 con”, ông Hùng cho biết.
Tại báo cáo số 157/BH ngày 19/9/2017 của công ty Bình Hà cho biết, công ty đã đầu tư vào dự án này với số tiền 2.000 tỉ đồng, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn và thua lỗ. Riêng năm 2016 công ty lỗ hơn 200 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện kiến thiết trang trại nuôi bò, nguyên Tổng Giám đốc Đinh Văn Dũng đã cấu kết với Nguyễn Xuân Lương (giám đốc công ty Tân Đại Việt) lập hồ sơ khống, nâng khối lượng để chiếm đoạt số tiền 110 tỉ tiền triển khai dự án.
Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt cũng bị khởi tố vì có hành vi nâng khống khối lượng, chiếm đoạt 110 tỷ đồng. Ảnh: HTTV |
Hai ông Dũng và Lương hiện đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Riêng ông Dũng bị bắt tạm giam 4 tháng.
Tự ý chuyển đổi quy hoạch
Quy mô đàn bò không đạt như cam kết ban đầu, gần đây công ty Bình Hà còn tự ý chuyển đổi hàng trăm ha đất từ trồng cỏ sang trồng chuối mặc dù chưa được UBND tỉnh chấp thuận.
Cụ thể, công ty này đang có kế hoạch chuyển 575ha trồng cỏ sang trồng chuối. Giống chuối có tên khoa học Cavendish do công ty này nhập về có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Công ty đã chuyển đổi 190ha trồng cỏ sang trồng chuối.
Theo công ty Bình Hà, công ty xin chuyển sang trồng chuối vì diện tích trồng cỏ hiện nay được đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt từ Isarel chi phí rất cao, trong khi cỏ được trồng trên đất đồi nên năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Việc chuyển sang trồng chuối được công ty Bình Hà kỳ vọng sẽ cho năng suất đạt từ 35-50 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 150-300 triệu đồng/ha và tạo ra việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương.
Trụ sở công ty Tân Đại Việt |
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Cẩm Xuyên cho biết, việc công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối là tự phát, không nằm trong danh mục được cơ quan nhà nước chấp thuận đầu tư, hiện chính quyền các cấp đã phối hợp kiểm tra, yêu cầu công ty giải trình.
“Nếu chuyển đổi sang mục đích sử dụng đất thì cần phải làm lại đề án, phân tích đánh giá tác động môi trường trình cơ quan thẩm quyền cho phép, có chủ trương mới được làm. Nếu không sử dụng đúng thì phía địa phương có đề xuất lên tỉnh xem xét thu hồi dự án”, ông Bình cho hay.
Theo ông Hoàng Văn Sơn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT, Sở đang yêu cầu công ty Bình Hà báo cáo lại về dự án chăn nuôi. Còn việc công ty này chuyển đổi diện tích đất từ trồng cỏ sang trồng chuối tỉnh vẫn chưa cho phép.
“Tôi mới đi kiểm tra trang trại này thấy nhiều hạng mục hư hỏng nặng sau cơn bão số 10 vẫn chưa khắc phục được, nói chung giai đoạn này doanh nghiệp hết sức khó khăn”, ông Sơn nhìn nhận.
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet