Tin trong tỉnh

Hà Tĩnh: Rừng của BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ liên tục bị chặt phá

Một diện tích lớn đất rừng thuộc sự quản lý của Ban quản lý (BQL) khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) liên tục bị kẻ xấu triệt hạ, xâm lấn. Đáng nói, khu vực này chỉ cách trạm bảo vệ rừng khoảng 1 km.

Cây tự nhiên tại Khoảnh 6b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị triệt phá không thương tiếc.

Cây tự nhiên bị cưa ngang

Ngay khi nhận được tin báo của người dân về việc phá rừng trái phép ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trưa 2/4, PV Báo Đại Đoàn Kết lập tức tiếp cận hiện trường.

Nhờ sự dẫn đường của người dân địa phương, PV băng rừng xuyên trưa. Để đến được khu vực rừng mới bị chặt phá, chúng tôi men theo đường mòn đi xuyên qua dự án chăn nuôi Bình Hà, đến Trạm bảo vệ rừng số 7 của BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (ở Khe Gát, xã Cẩm Quan).

Cây rừng tái sinh có đường kính lớn bị cưa hạ.

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bộ, leo qua các dốc đồi cheo leo, cây cối rậm rạp, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng trái phép.

Theo người dẫn đường, khu vực này có tên là Ba Thờ, thuộc Tiểu khu 311 xã Cẩm Quan. Trước mắt chúng tôi là một khoảnh đất rừng rộng lớn, cây cối bị cưa ngang, toàn bộ cây rừng không kể lớn hay nhỏ nằm ngả rạp trên mặt đất.

Các vết cưa, chặt vẫn còn mới, lá cây bắt đầu héo. “Vết cưa rất mới, có lẽ khoảng 2-3 ngày” - người dẫn đường dự đoán.

Hàng chục cây lớn bị cưa ngang gốc, nằm ngả rạp xuống đất.

Theo quan sát, khu vực rừng mới bị triệt hạ có hàng chục gốc cây lớn, đường kính từ 15cm - 50cm, còn cây nhỏ nhiều không kể xiết. Ngoài ra xung quanh khu vực mới bị san phẳng bằng cưa, các đối tượng đã phát lòng các cây nhỏ phía dưới tán cây lớn để dọn đường chuẩn bị đốn hạ cây lớn nhằm nới rộng diện tích.

Loại cây chủ yếu bị “lâm tặc” cưa ngang chủ yếu là cây sung rừng, chân chim, ba bét… Khu vực rừng mới chặt phá này tiếp giáp với khoảnh rừng rộng lớn đã bị phá cách đây khoảng 2 năm và các đối tượng trồng keo mọc lên được khoảng 1 tháng.

Sau khi phát quang cả cây lớn lẫn cây nhỏ, một diện tích lớn đất rừng trơ trọi.

Người dân địa phương nghi ngờ, vụ phá rừng cách đây khoảng 2 năm và đợt này là cùng một đối tượng thuê người đến chặt phá rừng để mở rộng diện tích xâm lấn nhằm mục đích trồng keo để sau này thu hoạch, trục lợi trên đất rừng.

“Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, các đối tượng này sẽ lợi dụng để phá rừng tiếp” - một người dân lo ngại.

Cách trạm bảo vệ rừng khoảng 1 km

Khoảng cách từ điểm phá rừng trái phép ở Khoảnh 1b, Tiểu khu 311 xã Cẩm Quan chỉ cách Trạm bảo vệ rừng số 7, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chừng 1 km.

Do khoảng cách khá gần nên người dân địa phương nhận định: Khi các đối tượng mang cưa lên cắt cây, nếu cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 7 có mặt ở trạm chắc chắn sẽ nghe tiếng máy cưa. Phải chăng cơ quan bảo vệ rừng “làm ngơ” cho “lâm tặc” phá rừng?

Toàn bộ cây lớn, nhỏ đều do "lâm tặc" cắt phăng để lấn chiếm đất trồng keo.

Một ngày sau khi ghi nhận hiện trường (3/4), PV Báo Đại Đoàn Kết đã làm việc trực tiếp với BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, đơn vị này chưa hề nắm được thông tin về việc phá rừng trái phép tại Tiểu khu 311 xã Cẩm Quan.

Ông Phan Duy Khai, Phó Giám đốc và ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng - BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tiếp nhận thông tin phản ánh của PV đồng thời cho biết đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra.

Trả lời câu hỏi về việc cách đây khoảng 2 năm, tại Tiểu khu 311 xã Cẩm Quan, đơn vị có phát hiện, xử lý việc phá rừng, xâm lấn đất rừng để trồng keo hay không? Ông Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Duy Khai đều khẳng định là không phát hiện, xử lý vụ phá rừng nào ở đây.

Rừng ở khoảnh 6b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan do BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý bị triệt hạ.

“Đơn vị cảm ơn thông tin do PV Báo Đại Đoàn Kết cung cấp, ngay khi đồng chí Giám đốc Ban về, chúng tôi sẽ báo cáo sự việc và tiến hành kiểm tra, xác minh”, ông Phan Duy Khai nói.

Còn Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên Võ Duy Từ khẳng định: “Chỗ rừng bị phá đó rất gần trạm bảo vệ rừng, anh em ở trạm chắc là nghe được tiếng máy cưa”.

Kiểm lâm đo được 0,4 ha, BQL báo cáo 0,2 ha

Ông Võ Duy Từ, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên cho biết: Đơn vị nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc phá rừng ngày 1/4/2023, tuy nhiên do thời điểm đó trời mưa nên chưa thể đến hiện trường để kiểm tra.

Ngày 2/4, Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên kiểm tra độc lập, ngày 3/4 Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại Khoảnh 1b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan thuộc lâm phần quản lý của BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Phần đất, rừng mới bị tàn phá trái phép tiếp giáp với khu vực đã bị triệt hạ cách đây hơn 2 năm.

Kết quả kiểm tra, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng phát hiện có tình trạng người dân xẻ phát, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Diện tích đo đếm có khoảng 0,4 ha đất, rừng bị xẻ phát, lấn chiếm. Tại hiện trường có một số cây gỗ tái sinh bị chặt hạ (phần gốc, phần thân, cành, ngọn đang còn tại hiện trường), thời gian xảy ra vụ việc khoảng 3-5 ngày trước.

Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên xác định: Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng (tại Quyết định 2735/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh) thì khu vực Khoảnh 3b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan thuộc đối tượng quy hoạch sản xuất, hiện trạng là rừng trồng cây bản địa thông, keo…

Cây thân gỗ tái sinh tự nhiên, giây leo, cây bụi, thực bì đã bị chặt hạ, chưa đốt, phần thân cây và gốc cây còn nguyên tại hiện trường.

Kết quả kiểm tra hiện trường ban đầu của Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên cũng xác định, hiện trạng thực tế khu vực bị xẻ phát, lấn chiếm là rừng tái sinh chưa có trữ lượng, rải rác có một số cây gỗ tái sinh. Về đối tượng phá hoại rừng, đơn vị này chưa xác định được.

Biên bản kiểm tra được đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên và BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ lập và ký xác nhận vào 15h ngày 3/4 (sau khi PV Báo Đại Đoàn Kết vừa thông tin cho BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ít phút).

Đất, rừng bị xâm lấn cách đây 2 năm "bỗng nhiên" mọc lên nhiều cây keo.

Chiều tối cùng ngày, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã kiểm tra và báo cáo với Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên và UBND xã Cẩm Quan. Đáng nói, đơn vị này báo cáo chỉ có 0,2 ha rừng ở Khoảnh 6b, Tiểu khu 311, xã Cẩm Quan bị phá trái phép.

“Đám rừng bị phát chưa giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, đang thuộc chủ rừng BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý” - trích văn bản báo cáo của BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Cận cảnh rừng do BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý bị triệt phá, xâm lấn.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP