Tổng khu xăng dầu KDC của Tập đoàn Thiên Minh Đức. |
Ghi nhận ngày 17/12/2019, TMD Group đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 855 tỷ đồng lên thành 1.155 tỷ đồng.
Hiện TMD Group là đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng, với mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Sau gần 20 năm thành lập và phát triển, TMD Group tạo ra một hệ sinh thái với nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, điện, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài. Có thể kể đến như Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Hoàng Huy, Công ty Cổ phần Trung Long, Công ty Cổ phần thương mại Quốc tế BMC, Công ty Cổ phần dầu khí Epic, Công ty Cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK, Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn Safari, Công ty Cổ phần KCN Hải Phòng...
Đáng chú ý, đầu năm 2019, TMD Group đã đưa dự án Tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào hoạt động. Dự án được xem là tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng mức đầu tư của Tổng kho xăng dầu DKC vào khoảng 1.400 tỷ đồng.
Đây cũng là 1 trong những lý do mà TMD Group đã liên tiếp nằm trong top đầu những doanh nghiệp nộp thuế cao nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào các năm 2019 và 2020. Đặc biệt là năm 2020, TMD Group đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh chỉ sau 9 tháng đầu năm.
Tại Nghệ An, cuối tháng 11/2020, TMD Group đã tổ chức lễ gắn biển và khởi công dự án Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ. Dự án này là Phân khu 1 của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ rộng 618 ha huyện Đô Lương thuộc tỉnh Nghệ An vừa được Thủ tướng phê duyệt cài cuối tháng 3 năm nay.
Ngoài ra, cũng trong năm 2020, một thành viên của TMD Group là Công ty Cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh tại khu vực trên đất liền và trên biển các xã Kỳ Khang, xã Kỳ Phú. Dự án có quy mô dự án khoảng 2.800ha và tổng mức đầu tư lên hơn 16.200 tỷ đồng. Điều này cho thấy tham vọng trở thành ông lớn trên thị trường năng lượng tái tạo của TMD Group.
TMD Group thực sự đã trở thành một tập đoàn tư nhân thuộc top đầu tại tỉnh Nghệ An bởi năm 2019, doanh thu của tập đoàn này đã mấp mé ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Mức doanh thu còn cao hơn rất nhiều những công ty tên tuổi khác trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (6.160 tỷ đồng), hay là Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội (Mipec; 7.066 tỷ đồng).
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn từ năm 2016-2019, doanh thu TMD Group tăng trưởng rất nhanh. Từ mức doanh thu 605 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên 2.180 tỷ đồng ở năm 2017, gấp 3,6 lần so với năm 2016.
Đến năm 2018, doanh thu của TMD Group tăng mạnh lên mức 6.175 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với năm 2017. Chưa dừng lại đó, kết thúc năm 2019, doanh thu của TMD Group tăng lên mức 9.836 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 năm, doanh thu của TMD Group đã tăng lên tới 1.526%.
Tuy nhiên, khá bất ngờ, ở cả 4 năm trên, TMD đều kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến việc lợi nhuận gộp đều là con số âm. Theo đó, lợi nhuận gộp của TMD Group ở các mức -27,8 tỷ đồng (năm 2016), -15,2 tỷ đồng (năm 2017), -103,5 tỷ đồng (năm 2018) và -176 tỷ đồng (năm 2019).
Sau khi cộng doanh thu tài chính cũng như trừ đi các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý, khoản lỗ thuần của TMD Group lại tăng nhiều hơn, ở mức -53 tỷ đồng (năm 2016), -38 tỷ đồng (năm 2017), -154 tỷ đồng (năm 2018) và đặc biệt là năm 2019 với mức -302 tỷ đồng. Tổng cộng cả 4 năm này, doanh nghiệp đã lỗ tới 548 tỷ đồng.
Khá đồng điệu với doanh thu, khối tài sản của TMD Group cũng tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2016-2019. Theo đó, năm 2016, tổng tài sản của TMD Group ở mức 604 tỷ đồng, sau đó tăng mạnh lên thành 1.952 tỷ đồng (năm 2017) và 4.616 tỷ đồng (năm 2018). Đến cuối năm 2019, TMD Group đã có số tài sản lên tới 5.937 tỷ đồng, cao gần gấp 10 lần so với năm 2016.
Tuy nhiên, nhìn vào nguồn vốn cho thấy phần lớn tài sản của TMD Group lại được tài trợ từ nợ phải trả. Ghi nhận ở năm 2016, nợ phải trả của TMD Group chỉ ở mức 366 tỷ đồng, sau đó tăng lần lượt lên thành 1.735 tỷ đồng và 4.094 tỷ đồng ở năm 2017 và 2018. Kết thúc năm 2019, nợ phải trả của TMD Group đã ở mức 5.590 tỷ đồng, cao gấp 15 lần so với năm 2016.
Trong khi vốn chủ sở hữu trong giai đoạn từ năm 2016-2019 chỉ duy trì ở mức 216-521 tỷ đồng thì nợ phải trả liên tục tăng ở giai đoạn này. Đáng lo ngại khi hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) đang cho thấy TMD Group đã sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá cao, tăng từ mức 1,5 lần ở năm 2016 lên mức 16 lần ở năm 2019.
Nhìn chung, việc kinh doanh của TMD Group là rất sáng nếu chỉ nhìn vào doanh thu. Tuy nhiên, việc lợi nhuận âm liên tiếp do kinh doanh dưới giá vốn liên tục ở nhiều năm cũng như việc sử dụng đòn bẩy cao lại là những điểm gợn của bức tranh tài chính doanh nghiệp này.