Phân tích bản dự toán ngân sách năm 2022, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét dự toán ngân sách năm tới không có nhiều xáo trộn lớn so với năm nay, các cơ cấu và khoản mục thu, chi ngân sách phần lớn tịnh tiến của năm trước.
Định hướng mở rộng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 chưa được thể hiện rõ ràng qua bản dự toán. Quan điểm trên được ông Tuấn đưa ra tại hội thảo do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức ngày 13/11.
Cụ thể, dự toán ngân sách của năm 2022 ước thu 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm nay. Mức chi ngân sách 2022 ước tính khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với ước thực hiện năm nay. Bội chi ngân sách năm tới ước tính khoảng gần 373.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với kết quả ước thực hiện năm nay và tương đương 4% quy mô GDP.
Bình luận về những con số này, ông Tuấn cho rằng mức tăng chi dự kiến của ngân sách không đáng kể, số thu dự kiến không giảm, bội chi ngân sách vẫn ở ngưỡng 4% GDP. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 quay lại mức 6-6,5% GDP và định hướng chính sách là sẽ có gói hỗ trợ tài khóa để phục hồi kinh tế.
Biểu đồ: Việt Đức. |
"Tôi nhất trí phải nới trần bội chi ngân sách, không phải 4%, mà là 5-6%", ông Tuấn nêu quan điểm. Theo ông, vấn đề tiên quyết là phải chi tiền, hỗ trợ tài khóa để kích thích phục hồi kinh tế, còn thiết kế chính sách thế nào lại là câu chuyện khác. Chuyên gia Fulbright cũng cho rằng việc lo lắng gói kích thích kinh tế lớn có thể lặp lại cuộc khủng hoảng tương tự 10 năm trước thực tế khó xảy ra vì bối cảnh hiện tại rất khác so với thời điểm đó.
Về lo lắng áp lực lạm phát, ông Tuấn cũng đồng tình nền kinh tế sẽ chịu sức ép rất lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, ông lưu ý việc Chính phủ chi tiền hỗ trợ nền kinh tế không phải là in thêm tiền. Các chính sách sẽ có nhiệm vụ điều tiết để gói hỗ trợ đi vào khu vực sản xuất, kích thích tiêu dùng thay vì các lĩnh vực đầu cơ.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trong bối cảnh áp lực lạm phát đang rất lớn do chi phí sản xuất, vận tải, lao động, chuỗi cung ứng gia tăng khi mở cửa kinh tế sau thời gian dài giãn cách, nếu tổng cầu sụt giảm, nền kinh tế sẽ càng đối diện nguy cơ lớn hơn về suy thoái.
Về bức tranh cân đối ngân sách của các địa phương, hiện tại có 17/63 tỉnh, thành có mức thu lớn hơn chi, đủ khả năng điều tiết ngân sách về Trung ương. Tỉnh mới nhất gia nhập danh sách địa phương có thể tự cân đối ngân sách được là Hà Nam.
Trong đó, TPHCM, địa phương có số thu ngân sách nhiều nhất cả nước sẽ được tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách từ 18% lên 21% trong năm tới. Cùng với TPHCM, 6 địa phương khác được tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách trong năm tới nhưng lại có 8 tỉnh, thành bị giảm tỷ lệ giữ lại ngân sách. Đặc biệt, tổng số tiền ngân sách điều tiết về Trung ương của 17 địa phương tự chủ thu chi vẫn dự kiến tăng trong năm tới.
Từ năm 2022, TPHCM được giữ lại thêm 3% thu ngân sách (Ảnh: Hữu Khoa). |
Dựa trên bức tranh trợ cấp cân đối ngân sách của 46 địa phương còn lại, ông Tuấn dự báo Long An và Thái Nguyên có thể trở thành những địa phương mới nhất tự chủ ngân sách trong một vài năm tới. Đây là hai địa phương đã gần đạt đến mức tự cân đối được thu, chi ngân sách, chỉ còn nhận sự bổ sung rất ít từ Trung ương.
Tác giả: Việt Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí