Pháp luật

Hàng chục nghìn bị hại không đến đòi quyền lợi trong vụ Trịnh Văn Quyết

Trong ngày đầu xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết, mặc dù được triệu tập nhưng hàng chục nghìn bị hại vẫn không có mặt tại tòa.

Chiều ngày 22/7, TAND Tp. Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 bị cáo liên quan.

Đến 14h30 cùng ngày, đại diện VKS vẫn tiếp tục phần công bố cáo trạng. Theo thông báo của chủ tọa, tòa đã cho triệu tập hơn 30.000 bị hại tới phiên xét xử. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng cùng ngày, chỉ có hơn 30 bị hại có mặt.

Chiều ngày 22/7, hầu hết các bị hại cũng không có mặt.


Đến buổi chiều cũng rất ít bị hại có mặt, mặc dù trước đó, TAND Tp.Hà Nội đã cho dựng rạp với hàng trăm chỗ ngồi với màn chiếu phục vụ người ngồi và tiện theo dõi.

Trong số các nhà đầu tư, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu. Trong đó chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.

Được biết, gia đình ông Quyết cũng đã gặp, xin lỗi và bồi thường cho 133 nhà đầu tư trên với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Trở lại diễn biến phiên toà, do phần đọc cáo trạng kéo dài nên toà cho phép các bị cáo ngồi nghe. Tại toà, một số bị cáo trình bày sức khỏe yếu thì được HĐXX yêu cầu tiếp tục hoàn thành các thủ tục phiên tòa và sẽ được hỗ trợ khi cần thiết.

Trong số các bị cáo nêu ý kiến có Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội- CPA) đề nghị tòa triệu tập các ông bà Trần Thế Linh, Lê Văn Giò và Đỗ Mạnh Hà đến tòa để đối chất. Đây là những cá nhân tại CPA.

Một số bị hại có mặt sáng ngày 22/7, họ cũng chỉ mong muốn được khắc phục hậu quả.


Trước yêu cầu này, HĐXX cho biết đã cho triệu tập nhưng họ vắng mặt. Tuy nhiên, do phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày, nên sẽ cho triệu tập tiếp nếu thấy cần thiết.

Trước phiên tòa diễn ra, các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho biết, họ được yêu cầu bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi đã được xác định tại kết luận điều tra và cáo trạng, chỉ tập trung trình bày các lý do khách quan, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng.

Do đó, nhiều khả năng phiên toà sẽ sớm kết thúc hơn dự kiến.

Các luật sư cho biết, hiện tại có 376 văn bản (với tổng cộng 4.280 người ký tên) đề nghị giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Quyết và các bị cáo của nhiều tổ chức, cá nhân (là khách hàng, đối tác, người dân cư trú trên địa bàn các dự án do ông Quyết chỉ đạo triển khai, các cán bộ nhân viên, cựu cán bộ nhân viên,…).

Nội dung các đơn này đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Quyết và các bị cáo. Các căn cứ này đều đã được đính kèm cùng tài liệu để gửi đến cơ quan tố tụng.

Các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cũng cho hay, trong thời gian tạm giam, ông Quyết và gia đình luôn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án. Vào ngày 9/7/2024, bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Trước đó, bị cáo và gia đình cũng tự nguyện khắc phục số tiền hơn 191 tỷ đồng.

Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM ...) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp HĐXX xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.

Tác giả: Đặng Ngọc Thủy

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP