Tin trong tỉnh

Hàng chục người toát mồ hôi phá đá thông đường ở xã biên giới Nghệ An

Tảng đá hàng chục tấn án ngữ gần hết đường nối xã Mường Ải với Mường Típ, cách vực sâu chỉ vừa 1 chiếc xe máy. Các lực lượng chức năng phải dùng mũi khoan và nhồi mìn phá để thông đường.

Trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3 kéo dài đến 10 ngày tại tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 7/2018, đã khiến kết cấu đất đá trên núi bị suy yếu gây ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao thông tại các tuyến đường vành đai biên giới. Đặc biệt, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tình trạng sạt lở vô cùng nghiêm trọng, chia cắt và cô lập nhiều bản làng trong thời gian dài.

Nhiều đoạn đường bị sạt lở nên chính quyền đã đóng biển cảnh báo.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khắc phục các đoạn sạt lở, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ của các xã tiến hành thông đường. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời, cùng sự đồng lòng của mọi người nên các tuyến đường chính nhanh chóng được giải phóng.

Tuy nhiên, việc khắc phục hoàn toàn chỉ thực hiện được ở các xã giáp trung tâm huyện Kỳ Sơn, nơi có thể đưa phương tiện và máy móc vào được. Càng đi vào phía trong, tình trạng sạt lở có giảm nhưng khó khắc phục hơn bởi nền đường yếu, nhiều đoạn bị nứt ngang hoặc ăn sâu vào tim đường, lòng đường chỉ vừa một xe máy đi qua. Đặc biệt là vành đai đi vào các xã biên giới giáp nước bạn Lào như: xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải…

Nhiều đoạn đường vừa 1 xe máy đi qua.

Đoạn đường không dành cho những người tay yếu.

Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục, thời tiết cũng bắt đầu ủng hộ khi nắng ráo sau nhiều ngày mưa to, thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay các loại phương tiện xe ô tô vẫn chưa thể đi vào. Vào đầu tháng 8/2018, một chiếc xe chở hàng bất ngờ rơi xuống sông, toàn bộ hàng hóa bị nước lũ cuốn trôi, rất may người lăn ra gần bờ nên sống sót. Sau lần đó, mọi người không dám di chuyển bằng ô tô, cách lưu thông duy nhất là sử dụng xe máy và các xe nhỏ gọn.

Chị Nguyễn Thị Minh, một người bán hàng tại xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Bình thường đi đường này cũng đã khó khăn, nay trời mưa khiến nhiều nơi bị sạt lở thì việc đi lại càng vất vả hơn rất nhiều. Cũng vì thế hàng hóa trở nên khan hiếm, dùng xe máy ra trung tâm huyện thì không chở được nhiều, vì thế mà giá cả nhiều mặt hàng cũng bị tăng lên”.

Nếu không cẩn thận có thể rơi xuống vực sâu.

Tuy nhiên, ngay cả việc đi ra đi vào một cách an toàn cũng là vấn đề nan giải. Đất đá trên núi vẫn tiếp tục sạt lở, chắn ngang lối đi. Những vết nứt to bằng ngón chân từ mép bờ sông ăn vào tận chân vách núi. Cảm tưởng như chỉ thêm một trận mưa nữa thì cả tuyến đường sẽ đứt gãy, đổ sập xuống. Vì vậy, con đường này không hề dành cho những người “non tay”, bởi chỉ một chút sơ sểnh thì cả xe và người sẽ lao xuống dòng nước hung hãn.

Khoan đá, nhồi mìn phá để thông đường

Ông Lữ Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3 kéo dài đến 10 ngày, kỉ lục 10 năm trở lại đây. Một khối lượng đất đá lớn đổ xuống đường gây chia cắt, cô lập nhiều bản làng trong xã. Con đường từ trung tâm huyện vào xã cũng bị chia cắt, mưa dứt 3 - 4 ngày mới thông”.

Việc thông đường có nghĩa là người dân có thể di chuyển qua lại, nhưng lại vô cùng khó khăn. Ông Hưng cho biết thêm: “Đường vào các bản đã cơ bản thông nhưng đoạn từ giáp ranh giữa xã Mường Ải và Mường Típ do sạt lở nặng, một tảng đá nặng hàng chục tấn rơi xuống, án ngữ ngang đường, chỉ cách vực khoảng 50cm, xe cộ đi qua hết sức nguy hiểm”.

Toát mồ hôi tìm cách khoan đá.

Tảng đá ước tính hàng chục tấn đã cản trở giao thông của 2 xã.

Không thể trông chờ sự giúp đỡ của huyện do khoảng cách từ thị trấn Mường Xén vào đến xã Mường Ải hơn 40km. Vì vậy, sau khi suy tính, UBND xã Mường Ải đã huy động cán bộ, nhân viên cùng với đoàn thanh niên, ban công an xã, với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và cán bộ Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 đang đóng trên địa bàn cùng nhau tìm cách phá đá.

“Do viên đá nặng hàng chục tấn, nên chúng tôi quyết định dùng máy khoan phá một phần để người dân đi qua an toàn hơn thôi. Không có máy móc nên không thể giải quyết được hoàn toàn, trong khi đường đi thì nhỏ và phương tiện thì không có nên vô cùng khó khăn”, một cán bộ cho hay.

Lực lượng chức năng cùng người dân nỗ lực đào đất thông đường.

Thế nhưng, ngay cả việc khoan đá cũng khiến cho toàn bộ lực lượng toát hết mồ hôi. Chỉ có một chiếc máy duy nhất nên mọi người phải thay nhau làm việc, những người còn lại dùng cuốc, xẻng để san cào con đường, đẩy những viên đá nhỏ đang cản lối để việc đi lại được thuận tiện.

Phải hơn 1 ngày, công việc mới hoàn tất. Tuy nhiên, ở trên đỉnh có một tảng đá mồ côi nằm chênh vênh, nếu tiếp tục mưa lớn nhiều ngày có khả năng sẽ rơi xuống bịt kín lối đi hoàn toàn.

Phải sau hơn 1 ngày thì công việc mới hoàn tất.

“Điều lo nhất là sắp đến ngày tựu trường, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến các thầy cô giáo và các em học sinh. Mùa mưa thì vẫn còn chưa kết thúc, rất nhiều công tác vẫn còn phải hoàn thành nên hi vọng trời không mưa nữa”, ông Hưng cho hay.

Tác giả: NĐT

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP