"Bó tay” nhìn kẻ gian móc ví
Mới đây, một khách hàng của ví điện tử Momo có tên là Trần Thị Thanh H., SN 1989, trú tại Bình Dương đã chia sẻ trường hợp bị “móc trộm” tiền trong ví điện tử Momo của mình.
Theo đó, ngày 21/9/2018, chị H thực hiện một giao dịch từ ví Momo thanh toán cho một hóa đơn của mình. Sau khi hoàn tất giao dịch, số tiền trong ví Momo của chị đã bị trừ nhưng hóa đơn thanh toán lại vẫn ở trạng thái chờ thanh toán.
Chiều tối cùng ngày, thấy giao dịch vẫn đang bị treo, chị H. có liên hệ với tổng đài nhưng không có ai nghe máy để nhờ hỗ trợ. Sau đó, khách hàng này đã lên trang fanpage của Momo (đã được tích xanh trang thật) để phản ánh về tình trạng lỗi trên. Sau đó, có một số điện thoại di động 0909.398.1** gọi đến số di động của chị, tự xưng là nhân viên kỹ thuật của Momo, tên là Vũ liên hệ để hỗ trợ khách hàng.
Khi hỏi nhân viên tên Vũ tại sao không sử dụng số điện thoại cố định của công ty gọi cho khách hàng, thì người này trả lời “Chị yên tâm, chỉ có nhân viên của Momo mới có số ví của chị thôi”.
Nhiều khách hàng của ví điện tử Momo tố bị kẻ gian bị "móc ví". |
Câu trả lời của người này khiến chị H. tin tưởng và nhanh chóng cung cấp mã OTP để xác nhận tài khoản. Và ngay sau đó, chị tá hỏa khi máy liên tục thông báo tiền trong ví Momo của chị được người tên Vũ “móc” tổng cộng là 11.500.000 đồng.
Không có ai hỗ trợ, chị H đã nghĩ ra cách truy cập ví Momo của mình và cố tình nhập sai mật khẩu 3 lần để tự khóa ví. Từ lúc đó, số tiền của khách hàng trên mới không bị mất nữa.
Đến khoảng 20h cùng ngày, một số di động khác là 0165.555.02** gọi cho chị H, tự xưng tên Bảo là nhân viên kỹ thuật của Momo muốn hỗ trợ khóa ví và lại tiếp tục yêu cầu chị cung cấp mã OTP.
Khi chị H hỏi tại sao không gọi bằng số máy cố định, thì người này cúp máy và dùng một số máy bàn 028.730.118.** gọi lại, giới thiệu là Bảo – người vừa gọi hỗ trợ rồi lại dập máy. Sau đó, số điện thoại di động trước đó tiếp tục liên hệ với chị H đề nghị cung cấp mã OTP nhưng chị H không đồng ý.
Sau đó, khách hàng này làm đơn gửi cục An ninh mạng và phòng Chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao – bộ Công an để đề nghị điều tra, làm rõ.
Một trường hợp khác xảy ra ở Hà Nội là anh Phạm Quang Minh, trú tại quận Đống Đa. Trong đơn trình báo gửi cơ quan chức năng, anh Minh cho biết: Khoảng 21h47’ ngày 19/9, anh Minh có gửi câu hỏi thắc mắc lên trang fanpage Facebook của Momo. Vài phút sau, khách hàng này nhận được tin nhắn thông qua mạng xã hộiFacebook của một người tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng của Momo để hỗ trợ giải đáp thắc mắc.
Người này yêu cầu anh Minh cung cấp số CMND và địa chỉ email để xác nhận chủ tài khoản. Khi có các thông tin này, đối tượng đã nhanh chóng đổi mật khẩu ví điện tử Momo của anh Minh. Ngay lập tức, mã OTP xác thực tài khoản đã được gửi vào email của người dùng, và đối tượng dễ dàng chiếm đoạt ví điện tử của anh Minh, đồng thời thực hiện các thao tác chuyển tiền.
Qua những sự việc trên, có thể thấy, fanpage của các hãng dịch vụ chính là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao “nhòm ngó” tài khoản của khách hàng.
Một nạn nhân khác của chiêu trò móc ví điện tử Momo cũng bị lợi dụng thông tin từ fanpage Momo có tên Lê Hồng Anh, SN 1986, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Chị Hồng Anh chia sẻ: Ngày 30/8, chị có mua một thẻ cào điện thoại trị giá 100.000 đồng trên ví Momo. Mặc dù tài khoản thông báo đã bị trừ tiền, nhưng chị Hồng Anh không nhận được mã thẻ cào nên đã phản hồi trên fanpage của Momo. Sau đó, khách hàng đã nhận được thẻ cào và nạp thẻ thành công.
Tuy nhiên, đến chiều ngày 1/9, một số điện thoại lạ gọi đến cho chị Hồng Anh, xưng là nhân viên của ví Momo. “Tôi nghĩ là nhân viên chăm sóc khách hàng của Momo nên đã chia sẻ bức xúc về việc tài khoản điện thoại không nhận được khuyến mại 50% như quảng cáo. Người này lắng nghe và xin lỗi như một nhân viên chăm sóc khách hàng” – chị Hồng Anh cho biết thêm.
Với lý do muốn kiểm tra lại xem số điện thoại của chị Hồng Anh có nhận được 50% tiền khuyến mại nạp thẻ hay không, đối tượng đề nghị chị này cung cấp thông tin cá nhân và mã OTP xác thực, sau đó đã chiếm đoạt ví điện tử Momo của chị Hồng Anh rồi thực hiện giao dịch rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Người tiêu dùng nên làm gì?
Ứng dụng ví điện tử Momo là sản phẩm của công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service), được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ số 16/GP-NHNN ngày 16/10/2015.
Theo như doanh nghiệp giới thiệu thì M_Service là đối tác chiến lược của Vietcombank, OCB, VPBank, Vietinbank, TPBank, ACB, Eximbank, Sacombank, VIB, BIDV và Shinhan Bank, ứng dụng ví điện tử Momo cho phép người sử dụng tạo và nạp tiền vào tài khoản Momo để thanh toán cho hơn 200 dịch vụ như nạp tiền điện thoại, thanh toán điện nước, thanh toán vay tiêu dùng...
Doanh nghiệp cũng khẳng định khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng Momo, vì 4 lý do: Được bảo chứng bởi ngân hàng, có mạng lưới bảo mật đa tầng, ứng dụng đạt chứng nhận bảo mật toàn cầu PCI DSS và khách hàng được hỗ trợ đa kênh 24/7 bởi trung tâm Chăm sóc khách hàng của Momo.
Thực tế hiện nay, ví điện tử Momo đang được rất nhiều người sử dụng vì sự tiện lợi trong việc thanh toán các khoản phí như tiền điện, tiền nước, thẻ game, mua vé xem phim… với nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng của Momo đang “cầu cứu” cơ quan chức năng, trước việc bị đối tượng tự xưng là nhân viên kỹ thuật của Momo liên hệ xử lý lỗi kỹ thuật tài khoản của khách hàng, nhưng sau đó đã tự động thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến |
Trả lời báo An Ninh Thủ Đô, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến thừa nhận là có phản ánh của khách hàng về tình trạng những đối tượng xấu giả danh là nhân viên của Momo để yêu cầu khách hàng gửi mật khẩu và mã OTP xác thực tài khoản truy cập ví điện tử Momo.
“Chúng tôi khẳng định, không bao giờ nhân viên của chúng tôi yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin này, và cũng thường xuyên cảnh báo khách hàng thông qua email, tin nhắn điện thoại về việc giữ kín thông tin cá nhân của mình", ông Diệp cho biết.
Trước câu hỏi: Trong các giao dịch chuyển tiền thông qua internet banking, chủ tài khoản mỗi lần chuyển tiền lại phải nhập mã OTP xác thực; vậy Ví điện tử Momo có quy trình bảo mật hai lớp như vậy không, ông Diệp cho biết, Momo sử dụng mật khẩu cá nhân để nhập mã bảo mật cho mỗi lần chuyển tiền, còn mã OTP thì chỉ xác nhận tài khoản.
Cũng theo ông Diệp, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dùng, công ty đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan công an trong việc điều tra, làm rõ các đối tượng có liên quan. Ngoài ra, để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng những dòng comment trên fanpage Momo của khách hàng, công ty đã cho ẩn toàn bộ các bình luận này.
"Riêng với việc bảo mật, chúng tôi sẽ khắc phục cũng như nâng cao công tác quản lý trong thời gian tới để phục vụ khách hàng được tốt hơn. Song chúng tôi đề nghị khách hàng một lần nữa không cung cấp thông tin cá nhân của mình gồm số ví, số CMND, mật khẩu và mã OTP xác thực tài khoản cho bất cứ ai. Bởi vì nếu là nhân viên của Momo chắc chắn sẽ không hỏi những thông tin đó", ông Nguyễn Bá Diệp khuyến cáo.
Tác giả: H.Y
Nguồn tin: Báo Người đưa tin