Người biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump ở New York hôm 7/1. (Ảnh: NYT) |
Hàng nghìn người biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump đã tập trung tại Trung tâm Barclays ở Brooklyn, New York vào tối 7/1 (theo giờ Mỹ). Đám đông sau đó kéo về Đại lộ Flatbush để tuần hành hòa bình tới nhà của Thượng nghị sĩ Chuck Schumer - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ.
Ông Schumer ngày 2/1 khẳng định ông Joe Biden và bà Kamala Harris là tổng thống và phó tổng thống Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump và các đồng minh vẫn đang nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.
Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng lên án vụ biểu tình bạo lực của những người ủng hộ Tổng thống Trump tại trụ sở quốc hội hôm 6/1. Ông Schumer cho rằng: "Tổng thống này không nên tại nhiệm thêm một ngày nào nữa".
Khi ồ ạt kéo đến nhà của ông Schumer, đám đông biểu tình hô vang "Không Trump", kèm theo tiếng kèn trống. Một số người cho biết họ tham gia biểu tình sau khi chứng kiến những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào tòa nhà quốc hội.
"Những gì chúng tôi thấy là sự thất vọng và bi kịch, nhiều người vẫn đang tìm kiếm phương hướng", Nina Svirsky, một giáo viên từ Brooklyn, cho biết.
Hàng chục cảnh sát đeo khẩu trang, mặc đồng phục đã theo dõi cuộc biểu tình. Tuy nhiên, không có vụ bắt giữ nào xảy ra.
Sau khi phần lớn đám đông đã giải tán, câu chuyện của những người ở lại xoay quanh chủ đề phân biệt sắc tộc sâu sắc trong việc kiểm soát biểu tình tại Mỹ, như những gì xảy ra trong cuộc bạo loạn hôm 6/1.
"Nếu những người biểu tình đó là chúng tôi, chúng tôi sẽ bị đánh đập, nên chúng tôi bức xúc với điều đó", Alfred Martinez, một người đàn ông da màu 39 tuổi, cho biết.
Ở Manhattan, một đám đông nhỏ hơn tập trung tại Quảng Trường Thời đại. Họ mang theo các biểu ngữ với nội dung "Rời đi ngay bây giờ", kêu gọi bãi nhiệm cả Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.
"Chúng tôi ở đây hôm nay vì những gì chúng tôi thấy hôm qua là một cuộc đảo chính có chủ đích", Jennifer Sabel, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ở Manhattan, nói.
Nhận thấy rằng đám đông biểu tình có quy mô vẫn khiêm tốn, bà Sabel kêu gọi mọi người quay lại vào ngày 9/1 và cam kết sẽ đưa thêm những người khác đi cùng với hy vọng đây sẽ là ngày biểu tình toàn quốc.
Emma Kaplan, một người tham gia biểu tình, cho biết cô và nhiều người không muốn chờ đợi cho tới khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
"13 ngày tới, những gì chúng ta đang làm, sẽ quyết định tương lai của chúng ta", Kaplan nói.
Các thành viên đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, cùng các lãnh đạo quốc hội khác đã kêu gọi kích hoạt tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump "ngay lập tức". Ngoài ra, ngày càng nhiều nghị sĩ kêu gọi luận tội và phế truất ông Trump sau vụ biểu tình bạo loạn ở trụ sở quốc hội. Họ cáo buộc ông Trump xúi giục biểu tình nhằm ngăn quốc hội xác nhận kết quả bầu cử.
Để kích hoạt tu chính án 25, Phó tổng thống Mike Pence và đa số thành viên nội các phải biểu quyết ủng hộ phế truất ông Trump với lý do Tổng thống không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò điều hành.
Ông Schumer cho biết ông và bà Pelosi đã cố gắng gọi điện để kêu gọi ông Pence kích hoạt tu chính án này, nhưng sau khi chờ máy 25 phút họ nhận được nhắn là ông Pence không bắt máy.
Hạ viện Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump vào tuần tới nếu Phó tổng thống Pence từ chối kích hoạt tu chính án phế truất Tổng thống sắp mãn nhiệm.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí