Giáo dục

Hành trình đổi màu huy chương Olympic Vật lý của nam sinh xứ Nghệ

Từng đạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2020, Lê Minh Hoàng quyết tâm ôn tập và mang về Huy chương Vàng trong kỳ thi năm 2022.

Lê Minh Hoàng. Ảnh: NVCC.

Tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2022 (IPhO 2022), Lê Minh Hoàng, cựu học sinh lớp 12 Lý Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong 3 thí sinh xuất sắc giành Huy chương Vàng. Với thành tích trên, Lê Minh Hoàng đã thành công đổi màu huy chương tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Bén duyên với môn Vật lý

Lê Minh Hoàng chia sẻ: Khi biết bản thân là một trong 3 người giành Huy chương Vàng, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc, xen lẫn nhẹ nhõm vì đã hoàn thành mục tiêu bản thân đề ra và không làm mọi người thất vọng. Tấm huy chương có ý nghĩa rất lớn đối với em và cũng là lời cảm ơn em dành tặng thầy cô, gia đình và bạn bè đã ở bên ủng hộ, giúp đỡ em.

Nhớ lại cơ duyên gắn bó với môn Vật lý, Minh Hoàng kể em đã thích bộ môn này từ năm lớp 6 khi theo học tại Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngôi trường này là "cái nôi" nuôi dưỡng nhiều học sinh giỏi trong nhiều lĩnh vực.

Đội tuyển Olympic Vật lý tại lễ xuất quân.

Thời điểm đó, nam sinh học tương đối tốt ở hai môn Vật lý và Toán học nhưng đến năm lớp 8, phải lựa chọn một môn để tham gia thi học sinh giỏi, Hoàng quyết định đăng ký Vật lý. Em cũng tìm hiểu những thầy cô dạy tốt Vật lý ở TP Vinh và xin bố mẹ cho theo học để trau dồi kiến thức.

Cũng từ bước ngoặt này, Hoàng nghiêm túc theo đuổi Vật lý như một môn học chuyên sâu với độ khó nâng cao so với chương trình phổ thông. Càng đào sâu học hỏi, nam sinh nhận thấy Vật lý có khả năng ứng dụng cao trong đời sống. Em cũng có cơ hội lý giải nguyên nhân của những hiện tượng khoa học lý thú.

Học tập bằng tất cả niềm say mê, em đã đạt thủ khoa học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý năm lớp 8 và đạt giải Nhất, thủ khoa học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý năm lớp 9. Với thành tích là học sinh giỏi toàn diện, đạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh, Hoàng được xét tuyển thẳng vào lớp chuyên Lý Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vào năm 2019.

Lê Minh Hoàng chụp ảnh lưu niệm tại lễ xuất quân đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nỗ lực đổi màu huy chương

Từ Nghệ An ra Hà Nội học tập, Hoàng chính thức rời xa vòng tay của gia đình để theo đuổi đam mê. Thời gian đầu, sống trong ký túc xá, nam sinh không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, nhớ nhà. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động vượt khó cùng sự động viên, hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, Hoàng đã vượt qua khó khăn ban đầu và vươn lên trong học tập.

Sau gần 3 năm sống xa gia đình, Hoàng đánh giá đây là một trong những trải nghiệm quý giá, giúp em trau dồi tính độc lập, khả năng thích nghi với các tình huống khác nhau và giải quyết khó khăn. Đây cũng là động lực để em tiếp tục trau dồi, mài dũa kiến thức trong môn Vật lý và bước ra các đấu trường lớn.

Nam sinh cũng gặt hái nhiều thành tích đáng nể như Huy chương Vàng môn Vật lý tại Kỳ thi TALINPA; giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi cấp ĐHQG Hà Nội; giải Nhất Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2022...

Hoàng cho biết năm 2020, em đã thử sức tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và giành Huy chương Bạc. Một năm sau, em giành Huy chương Đồng trong Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2021.

Trở lại với kỳ thi Vật lý quốc tế năm 2022, từ đầu, Hoàng đã quyết tâm ôn luyện nghiêm túc và thi đấu hết sức mình bởi đây là kỳ thi cuối cùng trong quãng thời gian là học sinh. Em bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi trong khoảng 1 tháng, ngay sau khi kết thúc kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương.

Mỗi ngày, Hoàng và các thành viên trong đội tuyển dành phần lớn thời gian học cùng thầy cô hướng dẫn. Tối về ký túc xá, em dành thêm 1 – 2 tiếng để tự ôn tập và luyện các đề thi của những năm trước.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng thành tích của đoàn học sinh Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam.

Đề thi Vật lý Quốc tế thường chia thành 2 phần là lý thuyết và thực hành. Điều này đòi hỏi thí sinh phải hiểu kỹ bản chất của các vấn đề, nắm chắc lý thuyết cùng tư duy logic, khoa học. Dựa trên những đặc điểm này, Hoàng chia các chủ điểm ôn tập thành hai phần là lý thuyết và thực hành.

Với mỗi chủ đề, em ghi nhớ kiến thức lý thuyết, sau đó chuyển qua thực hành và vận dụng kiến thức lý thuyết vừa học vào luyện tập. Trong quá trình làm bài tập thực hành, em cũng chú ý rèn luyện kỹ năng tư duy, tính cẩn thận và khả năng kiểm soát thời gian. Sau khi hoàn thành bài, em chủ động nhờ thầy hướng dẫn kiểm tra và sửa lỗi sai để rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo.

Với thái độ học tập nghiêm túc, tinh thần tập trung cao độ, Hoàng đã xuất sắc đổi màu huy chương. Dù vậy, nam sinh không cho rằng thành tích của bản thân chỉ nằm trong những tấm huy chương, mà còn xuất phát từ quá trình học tập, phấn đấu bền bỉ.

Ngoài ra, những tấm huy chương không phải là điểm dừng mà là bệ phóng để Hoàng tiếp tục theo đuổi đam mê và cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp của nước nhà.

Tự hào là công dân Việt Nam bước ra các đấu trường lớn trong khu vực và quốc tế, Minh Hoàng bày tỏ: “Em luôn tự nhủ bản thân phải làm việc hết mình để góp phần xây dựng đất nước”.

Tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2022, đội tuyển Việt Nam có 5 học sinh tham dự và xuất sắc giành 5 huy chương gồm 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.

Cụ thể, 3 huy chương Vàng thuộc về các em Lê Minh Hoàng, Vũ Ngô Hoàng Dương, Võ Hoàng Hải (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). 1 huy chương Bạc thuộc về em Nguyễn Đăng Phúc, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Còn em Phùng Công Hiếu, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, giành huy chương Đồng.

Tác giả: Phạm Khánh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP