Phong tục ở Hải Phòng phải có 3 phong bì tiền lễ ‘đen’ - tức là khoản tiền thách cưới, đặt trong mâm trầu cau. |
Cụ thể, mẹ cô gái bàn với thông gia cho lễ ăn hỏi rằng, phong tục ở Hải Phòng phải có 3 phong bì tiền lễ ‘đen’ - tức là khoản tiền thách cưới, đặt trong mâm trầu cau. Trung bình mỗi phong bì từ 3 triệu đồng - 10 triệu đồng, tùy gia cảnh.
Mẹ cô gái đề nghị đặt vào mỗi phong bì 2 triệu, tổng 3 phong bì là 6 triệu. Thế nhưng, mẹ Phùng (mẹ của chàng trai) phản đối. Bà thẳng thắn đáp lại lời mẹ tôi: ‘Trên nhà tôi không có lệ như vậy. Cưới xin là hạnh phúc của các con, không phải bán buôn mà thách cưới’.
Những tưởng chuyện đã được Phùng thu xếp ổn thỏa, khi cô gái đã "mách nước" cách đặt lễ và chi phí sẽ do vợ chồng sau này sắp xếp. Nhưng không biết Phùng có nói lại với mẹ hay không mà để bà "rút lõi" phong bì.
Trong lúc sắp đồ, mẹ cô gái kiểm tra phong bì, mỗi phong bì chỉ có tờ 500 nghìn đồng thay vì 2 triệu đồng. Cho rằng bị chơi khăm, mẹ cô gái đã tức giận, chạy xuống nhà hất đổ cả mâm trầu cau, lớn tiếng đuổi nhà trai về.
Bà mẹ cô gái đã không tiếc lời chỉ trích nhà Phùng keo kiệt, bủn xỉn, tiền thách cưới cũng bớt xén. Từ hôm đó mẹ cô gái bắt con cắt đứt với người yêu. Bà tuyên bố, nếu cô gái quyết lấy Phùng, bà sẽ từ mặt con...
---***---
Độc giả ủng hộ hành động của mẹ cô gái
Theo nhiều độc giả, nhập gia tùy tục do đó phong tục ở Hải Phòng phải có 3 phong bì tiền lễ ‘đen’ - tức là khoản tiền thách cưới, đặt trong mâm trầu cau đã được mẹ cô gái nói rõ với nhà trai. Dù phong tục yêu cầu từ 3 triệu đồng - 10 triệu đồng, tùy gia cảnh, nhưng mẹ cô gái vì thương con đã dặn chỉ cần 2 triệu đồng mỗi phong bì là được. Tổng 3 phong bì là 6 triệu. Có thể thấy, mẹ cô gái đã rất “biết mình biết người” và “vòi” đúng phúc và phận mà bà đáng được hưởng.
Tuy nhiên, mẹ Phùng (chàng trai) phản đối và có cách hành xử “rút lõi” phong bì từ 2 triệu xuống còn 500.000 đồng thực sự khiến bà mẹ cô gái nổi giận cũng không hề quá đáng. Theo nhiều độc giả, sự giận dỗi này của mẹ cô gái không phải vì tiền mà vì chính hạnh phúc của con gái sau này. Theo nhiều độc giả, việc bà mẹ cô gái hất đổ mâm lễ và nói thẳng: “Lệ dưới tôi như vậy, 3 phong bì không đáng là bao… Ông bà tạo điều kiện cho gia đình tôi thoải mái tâm lý. Nếu không thì hoãn lại, bao giờ thống nhất được, hãy tính tiếp” – là cách làm khôn ngoan.
Theo độc giả Nguyễn Thành Công: “Nhập gia tùy tục, nhà trai làm vậy là tỏ rõ thái độ không tôn trọng là gái nên hành động của mẹ cô gái là dễ hiểu”. Trong khi độc giả Nguyễn Thành Phước phân tích: “Tôi ủng hộ mẹ của cô gái, thà một lần đau chứ để con làm dâu nhà đó sẽ khổ suốt đời. Tôi ở miền Tây vừa mới cưới vợ xong, gia đình tôi cũng không khá giả và nhà gái cũng không thách cưới nhưng cũng gom góp đủ 40 triệu và 1 cây vàng làm sính lễ, xem như để phụ với nhà gái lo chi phí đám cưới”.
Còn độc giả Lưu Đình Tâm thì cho rằng: “Đây là trò "chơi khăm" của nhà trai, thật không đáng măt thông gia. Tuy mẹ bạn không kìm chế được, nhưng cũng là hành động vạch mặt thói keo kiệt bủn xỉn và khinh thường người khác”. Thông cảm hơn cho hành động của mẹ cô gái, độc giả Lâm Nguyễn cũng phân tích nói: “Mẹ bạn đã có vết thương quá đau đớn về quãng thời gian sống với người chồng keo kiệt, bủn xỉn rồi nên không muốn bạn đi vào vết xe cũ ấy nữa. Một người mẹ ra tay "rút lõi" ít tiền trong ngày trọng đại của con mình, sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến những điều khác đâu”.
Nhiều độc giả cũng thẳng thắn nói, hành động của mẹ chàng trai chính là sự khinh thường thông gia tương lai. Độc giả Mai Hương nói: “Đến nay phong tục thách cưới ở đâu cũng vẫn có, chỉ có nhiều hay ít. Ở đây nhà gái chỉ yêu cầu có 6 triệu mà nhà trai không đáp ứng được như vậy là quá coi thường nhà gái. Nhà gái đặt ra như vậy là để khỏi mang tiếng với xóm làng là cho không con gái thôi chứ 6 triệu không là gì cả, nuôi con, ăn, học bao nhiêu năm nay nhà trai làm như thế ai chả tức, đuổi là đúng. Còn con không lấy thằng này thì lấy thằng khác, thiếu gì người tốt để lấy”.
Lễ đen cũng là đề tài gây tranh cãi tại nhiều lễ ăn hỏi của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay... |
Chàng trai đã hết sức… vụng về!
Đồng tình với hành động của mẹ cô gái bao nhiêu thì mọi “mũi dùi” của độc giả lại hướng về phía chàng trai. Theo nhiều độc giả, chuyện trăm năm của bản thân thì đàn ông phải nên chủ động thay vì đợi người khác “cầm tay chỉ việc” hoặc cha mẹ sắp đặt. Bà mẹ cô gái đã rất thẳng thắn, cô gái cũng đã phải gọi Phùng ra ngoài, dặn anh thuyết phục mẹ. Số tiền đó, cô gái cũng đã gợi ý chủ động chi, miễn đừng để lộ ra với mẹ cô gái. Tuy nhiê, cách hành xử của chàng trai quá vụng về và đã không tự “định đoạt” được hôn nhân của chính mình.
Theo độc giả Nguyễn Thị Hoa: “Phùng là người thanh niên đã trưởng thành mà không dàn xếp được chuyện đại sự của mình với mẹ thì liệu sau này về làm vợ bạn có được Phùng che chở, bao bọc khi tình huống bất đồng xảy ra giữa mẹ chồng nàng dâu hay ko? Chồng vợ có thể thay đổi, riêng chỉ có mẹ là không thể, mẹ có 1 mà thôi. Hơn nữa, hoàn cảnh quá khứ của mẹ bạn cực nhọc thế nào nuôi 2 chị em bạn trưởng thành. Mong bạn cân nhắc kỹ khi quyết định đến với cuộc hôn nhân này, chúc bạn sáng suốt!”.
Còn độc giả Trần Đông Hải khuyên nhủ cô gái: “Chưa vướng gì thì bỏ đi cho thanh thản cháu ạ. Sống với nhau mà ngay từ đầu đã thế thì cả cuộc đời sống nặng nề khổ tâm lắm. 6 triệu đâu có lớn mà so đo gớm vậy?”. Trong khi độc giả Phương, với tâm lý cùng là phụ nữ cũng nói: “Tôi đồng quan điểm với mẹ chị, bên nhà trai hành xử như vậy là không được. 5-10 triệu chỉ là việc nhỏ nhưng nói lên tính cách gia đinh chồng keo kiệt so đo, bạn nên nghe theo lời mẹ bạn. Mẹ bạn dân kinh doanh làm ăn sẽ có cái nhìn chính xác hơn”.
---***---
Thực tế, chuyện thách cưới luôn là đề tài gây tranh cãi trước hôn nhân của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu cách hành xử của mẹ cô gái có phần “nóng nảy”, thì cách cư xử của nhà trai cũng đáng để chúng ta “vỡ vạc” ra nhiều điều, nhất là với người trong cuộc. Cới với bạn, nếu trong trường hợp của Phùng, trước khi mang lễ đến nhà gái bạn sẽ phải làm gì?
Infonet xin nhận mọi ý kiến chia sẻ, phản hồi của độc giả về vấn đề này!
Tác giả: PV
Nguồn tin: infonet.vn