Kinh tế

HĐND tỉnh giải quyết khâu yếu, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Tại kỳ họp thứ 8, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Một trong những khâu yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh lâu nay, đó là việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp.

Từ thực tiễn đó, để thúc đẩy việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận, quyết nghị thông qua Nghị quyết quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn, xây dựng liên kết; chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Khuyến khích liên kết tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Minh Chi

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 200 triệu đồng (bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường).

Dự án liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, (bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp), với tổng mức hỗ trợ không quá 4 tỷ đồng.

Đẩy mạnh liên kết để nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Chi

Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, Nghị quyết này quy định, các bên tham gia liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:

+ Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ quản lý hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề liên quan đến các hợp đồng, dự án liên kết theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 2 vụ hoặc 2 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã;

+ Hỗ trợ 40% và không quá 300 triệu đồng chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho mỗi hợp đồng, dự án liên kết.

Các bên tham gia liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án theo Nghị quyết số 52/2016/NQ-HĐND trước khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, đang hưởng chính sách thì tiếp tục được hưởng các chính sách đã được phê duyệt.

Trường hợp phương án/dự án xây dựng cánh đồng lớn gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền để được hưởng chính sách trước khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, mà chưa được UBND tỉnh phê duyệt dự án, thì tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này.

Tác giả: Minh Chi

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP