Ổ dịch lớn nhất trong đợt Covid-19 thứ hai là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, với 186 ca nhiễm tính đến nay, tập trung vào các khoa bệnh nặng như Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh. Trong số người mắc có 19 nhân viên y tế, số còn lại gồm bệnh nhân và người nhà.
Ngoài cụm ba bệnh viện, Đa khoa, C, Chấn thương chỉnh hình, xuất hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng. Chỉ tính từ 25/7 đến nay, qua 19 ngày, ghi nhận 405 ca nhiễm nCoV liên quan Đà Nẵng.
Chủng Covid-19 lần này có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây cao, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 tuần trước.
Tốc độ lây lan thể hiện qua hệ số lây. Kết quả phân tích các trường hợp dương tính theo ngày khởi phát cho thấy hệ số lây nhiễm (R0) tại Bệnh viện Đà Nẵng ước tính là 5. Hệ số này ở mức cao so với các nơi trên thế giới. Trung bình, theo ước tính của WHO, số này 1,4 đến 2,5.
R0 là hệ số lây nhiễm cơ bản, chỉ số người bị nhiễm bệnh từ một người. Khi nào R0 lớn hơn 1, bệnh còn tục phát tán. Khi R0 nhỏ hơn 1, dịch bệnh sẽ từ từ thu hẹp và biến mất. Ví dụ, với R0 bằng 0,5, 100 người lây nhiễm cho 50 người, những người này lây cho 25 người, tiếp đó 13 người, 6 người... và tiến tới hầu như không còn lây nhiễm. Ở Đức, sau đợt dịch lây lan manh vào mùa xuân, các biện pháp giãn cách đã giúp R0 của nước này xuống mức quanh 0,7.
Biện pháp giãn cách đang được áp dụng sang tuần thứ ba ở Đà Nẵng. Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục được phong tỏa. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết thành phố yêu cầu khi nào không còn ca dương tính trong bệnh viện, cộng thêm 14 ngày cách ly sau đó, thì mới mở cửa trở lại.
Tỷ lệ ca nhiễm trên dân số Đà Nẵng hiện ở mức thấp, với 186 ca trên 1,34 triệu người. Số người trong diện cách ly chiếm 1,4% dân.
Tuy nhiên, các cụm ca nhiễm trong đợt dịch này khá đa dạng so với giai đoạn trước. Ông Long nhận định, 40% bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận liên quan Đà Nẵng hiện nay không xuất hiện triệu chứng, nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Chưa kể nhiều bệnh nhân ghi nhận là F1 - tiếp xúc gần ca nhiễm, không có triệu chứng nên hành trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác được R0 trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Khu cách ly 3 lớp tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, cuối tháng 1. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tuy tốc độ lây lan ở ổ dịch khá nhanh, tỷ lệ tử vong đang duy trì ở mức trung bình thấp. Đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận 17 bệnh nhân Covid-19 tử vong, chiếm hơn 4% trên tổng số 405 người mắc bệnh đợt mới. Người tử vong, từ 33 đến 86 tuổi, đều mắc bệnh có sẵn như suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Xét trên tổng số ca mắc từ đầu dịch, số tử vong chiếm 1,96%. Theo báo cáo toàn cầu của WHO hồi đầu năm khi dịch bùng phát, tỷ lệ tử vong/số người mắc ước tính là 2%.
Tại Mỹ, số người chết vì Covid-19 đến nay là hơn 160.000, tỷ lệ tử vong 3,2%.
Brazil ghi nhận 3 triệu người mắc và khoảng 100.000 qua đời do Covid-19. Tỷ lệ tử vong cao hơn, 3,3%.
Theo Đại học Johns Hopkins, các nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất gồm Anh (15,1%), Italy (14,2%), Bỉ (13,9%), Pháp (13,3%).
Các quốc gia có dân số trẻ trên thế giới ghi nhận ít ca tử vong hơn. Tại Uganda, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 qua đời là 0,7%, mức thấp nhất trên thế giới. Độ tuổi trung bình ở nước này là 15,9. Trong khi đó, người Mỹ có tuổi trung bình là 38,4.
Các chuyên gia nhận định, để khống chế các ca tử vong là rất khó. Dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người...
Tác giả: Thúy Quỳnh - Chi Lê - Thục Linh
Nguồn tin: Báo Vnexpress