Tin trong tỉnh

Hệ thống hồ chứa thủy lợi Nghệ An cần gia cố ‘chất thép’

Hàng trăm công trình hồ chứa của Nghệ An không đảm bảo để đứng vững trước thiên tai, do nguồn lực hạn hẹp địa phương này đã đề xuất bố trí kinh phí gia cố…

Hàng loạt công trình thủy lợi trên địa bàn Nghệ An được xây dựng từ lâu. Ảnh: Việt Khánh.

Trên địa bàn Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2022 Ban QLDA ngành NN-PTNT trực tiếp quản lý dự án nâng cấp đầu mối 31 hồ chứa (13 hồ chứa giai đoạn 1 và 18 hồ chứa giai đoạn 2) từ nguồn vốn vay WB8 của Ngân hàng thế giới, ngoài ra UBND các huyện làm chủ đầu tư 11 công trình khác.

Đến nay quá trình thi công các công trình kể trên cơ bản đã hoàn thành, phần đa đã đưa vào sử dụng. Trong năm 2022 có 8 công trình đang tiếp tục triển khai thi công và nâng cấp từ nhiều nguồn vốn (ngân sách tỉnh, ngân sách TW và vốn vay).

Ghi nhận đến ngày 15/9, còn 3 hồ chứa đang gia cố bề mặt đập và các hạng mục phụ trợ gồm hồ chứa Tập Mã, hồ Nhơm, huyện Tân Kỳ; hồ chứa Thung Vậy, huyện Yên Thành.

Hàng năm, các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập đã tiến hành kiểm tra, lập trình, trên cơ sở tình hình thực tế đã làm thủ tục xin bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ chứa từ nguồn vốn khắc phục thiên tai, nguồn vốn vay, nguồn biến đổi khí hậu... nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai, bão lũ luôn chực trờ.

Về phía cơ quan chuyên ngành, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình danh mục 70 hồ chứa cần sửa chữa, cải tạo khẩn cấp, đảm bảo an toàn công trình là 70 hồ với tổng kinh phí khái toán hơn 401 tỷ đồng. Trong nhóm ưu tiên 1 có 12 công trình (147 tỷ đồng), nhóm ưu tiên 2 có 58 công trình (hơn 254 tỷ đồng).

Qua biến cố, thời gian đến nay đã xuống cấp. Ảnh: Việt Khánh.

Trong bối cảnh nguồn kinh phí phân bổ hết sức hạn hẹp, Nghệ An buộc phải tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước nhằm đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Để bảo đảm an toàn, xử lý sự cố và thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi, tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra trước mùa mưa lũ, đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn, nhất là các hồ chứa, các đầu mối tưới, tiêu lớn...

Quá trình thực hiện, ưu tiên kiểm tra các bộ phận xung yếu như tràn xả lũ, công dưới đập, cửa van, máy đóng mở, xích cáp, thấm lậu, tổ mối của đập đất, rò nước qua mang cống cũng như các công trình mới được sửa chữa, hoặc xây dựng mới nhưng chưa được kiểm chứng từ thiên tai thực tế.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng xác định phải xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phải quy định rõ trách nhiệm trong công tác thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ, bao gồm cả thông tin xả lũ và không lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cần thiết dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Nghệ An đề xuất, kiến nghị được hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý các công trình hồ chứa nhằm đáp ứng được các quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, qua đó giúp các tổ chức khai thác công trình thủy lợi củng cố năng lực và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó trong giai đoạn 2021-2025.

Chỉ khi được nâng cấp, gia cố kịp thời hệ thống công trình thủy lợi mới đảm bảo được kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận chung của Nông nghiệp Việt Nam, hệ thống các công trình thủy lợi của Nghệ An dù quy mô nhưng mức độ nhỏ lẻ, nằm rải rác, do thời gian xây dựng đã lâu, lại bằng phương pháp thủ công nên đã bị xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các điều kiện thực tế.

Mặt khác, hệ thống chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, chi phí vận hành tốn kém.

Tựu chung, để thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo Nghị định 114/201/8/NĐ-CP cần nguồn kinh phí rất lớn, tuy nhiên các đơn vị quản lý trên địa bàn Nghệ An cơ bản không thể đảm đương được do “thu không bù chi”. Để tháo gỡ nút thắt này, ngành thủy lợi Nghệ An cần có cơ chế hỗ trợ từ trung ương, hoặc các nguồn vốn từ ngân sách khác.

Tác giả: Việt Khánh - Thanh Nga

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP