Người thực hiện công trình nghiên cứu khoa học này là PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (ĐH Thái Nguyên).
Đề tài cấp bộ mang tên: “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia( thiếu máu, tan máu bẩm sinh) ở phụ nữ người dân tộc tại khu vực miền núi phía Bắc”. Đây là đề tài được sử dụng kinh phí nhà nước để phục vụ yêu cầu nghiên cứu.
PGS-TS Trịnh Xuân Tráng, Phó hiệu trưởng ĐH Y dược xác nhận sự việc với VietNamNet.
Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) - nơi xảy ra vụ việc |
Ông Tráng cho hay, cách đây khoảng 1 năm, cơ quan công an đã xác minh và có buổi làm việc với lãnh đạo trường về vấn đề này. Đây là vụ việc liên quan đến hình sự nên lãnh đạo trường chưa thể xử lý cho đến khi cơ quan công an có kết luận chính thức.
“Hiện tại, C46 Công an tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành kết luận điều tra nhưng chưa thông tin với nhà trường. Thông tin tôi nắm được, cơ quan này đã chuyển kết luận sang VKS cùng cấp” – PGS.TS Trịnh Xuân Tráng cho hay.
Vị hiệu phó này cũng cho biết, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) – người có liên quan trong vụ việc, hiện vẫn đang công tác bình thường. “Đây cũng là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại ĐH Y dược Thái Nguyên” – ông Tráng nói.
Theo đó, năm 2015-2016, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thực hiện đề tài cấp bộ mang tên: “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia( thiếu máu, tan máu bẩm sinh) ở phụ nữ người dân tộc tại khu vực miền núi phía Bắc”.
Theo yêu cầu, các xét nghiệm của đề tài nghiên cứu phải được thực hiện trên bệnh nhân chỉ được thực hiện khi có đầy đủ và đúng theo số lượng, khối lượng, chủng loại hóa chất theo nội dung thuyết minh đề tài đã được Hội đồng Khoa học cấp bộ phê duyệt.
Một trong số các hóa đơn mua bán hàng hóa được cho là lập khống do chủ cửa hàng không có thật |
Hóa chất dùng để thực hiện xét nghiệm phải là hóa chất “đóng”, hóa chất đặc thù chỉ duy nhất do hãng sản xuất máy phân phối, không sử dụng được hóa chất của hãng khác trên thị trường do không tương thích. Các hóa chất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nơi bán phải có trách nhiệm đến cuối cùng.
Tuy nhiên, những hợp đồng mua hóa chất của Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Tiến Dũng ký với 2 cửa hàng tại Thái Bình có tổng giá trị hàng trăm triệu đồng được cho là hợp đồng khống.
Cụ thể, hóa đơn mua bán hóa chất ghi 2 đơn vị bán hàng ở địa chỉ khác nhau (cửa hàng thiết bị y tế Anh Sơn (địa chỉ: 403 Lý Bôn) và cửa hàng thiết bị y tế Kim Ngân (537/13/03 Lý Thái Tổ, TP Thái Bình) nhưng lại có chung một số điện thoại để giao dịch.
Tại cửa hàng Kim Ngân, chủ cửa hàng mang tên Đoàn Thị Dung là không có thật. Như thế, 2 hợp đồng cung cấp hóa chất cho hoạt động nghiên cứu của ông Dũng với giá trị gần 150 triệu đồng do bà Đoàn Thị Dung ký hợp đồng cung cấp thực chất là những hợp đồng ký khống.
Tại cửa hàng Anh Sơn, chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thị Hến không chứng mình được nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào. Xác minh địa chỉ nguồn hàng mà bà Hến cung cấp, công ty TNHH Thiết bị y tế Anh Phát (ở 5C/92, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại là địa chỉ ma.
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: Báo VietNamNet