Giáo dục

Hiệu trưởng nhận trách nhiệm vụ cây phượng đổ khiến học sinh tử vong

"Phóng viên hỏi trách nhiệm quản lý cây thuộc về ai thì rõ ràng trưởng cái trường có trách nhiệm trước. Bản thân tôi là chịu trách nhiệm chính", Hiệu trưởng Phúc thừa nhận.

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ tai nạn tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) chiều 26/5, báo chí đặt câu hỏi về cơ quan chịu trách nhiệm trong vụ cây gãy đổ khiến 1 học sinh tử nạn, 12 em khác bị thương.

Đại diện Sở Xây dựng khẳng định cây xanh trong trường không thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị này. Còn hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng thừa nhận là người chịu trách nhiệm chính về sự cố đáng tiếc.

Cây phượng không phù hợp với đô thị

Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm trong quản lý cây xanh tại trường học, ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết về mặt quản lý, cây phượng bị đổ sáng 26/5 thuộc loại cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị.

"Cây phượng bị đổ là cây hạn chế, nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng", ông Đạo khẳng định cây xanh thuộc khuôn viên công sở thì do công sở đó quản lý. Sở Xây dựng chỉ quản lý theo phân cấp các cây xanh đô thị trên đường, công viên.

Về quy trình, ông Đạo cho biết hàng năm trước khi vào mùa mưa, sở đã yêu cầu UBND quận, huyện và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cắt tỉa cây để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong mùa mưa bão.

Ông Đạo cho rằng cây phượng có rộng hơn 30 cm không phù hợp với đô thị. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng rà soát tất cả cây xanh trên địa bàn. "Sáng nay, Sở Xây dựng đã đến khảo sát trường thì thấy trường có cây phượng thứ 2 cũng thuộc dạng cổ nên đã chỉ đạo đốn bỏ. Nguyên nhân là cây phượng có thân trên 30 cm thì nên đốn bỏ vì không phù hợp với đô thị", đại diện Sở Xây dựng cho hay.

Theo ông Đạo, cây phượng có hệ rễ rất rộng và lớn nên không thích hợp với khu vực trồng cây nhỏ hẹp. Trong khi đó, vỉa hè trên các tuyến đường của thành phố khá nhỏ nên không phù hợp với loại cây này.

Thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã loại bỏ cây phượng, không trồng trên đường đô thị nữa. Với cây phượng trong khu vực công sở, tùy đặc điểm công sở và cách trồng, cách chăm sóc có thể duy trì lâu hơn.

Hiệu trưởng nhận trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của Zing về việc kiểm tra, giám sát cây xanh trong nhà trường thời gian qua, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng, nói trường hiện có 2 cây phượng.

Một cây trồng năm 1996 gãy đổ sáng nay và 1 cây được trồng trước đó. Hàng năm, nhà trường đều thuê công ty cây xanh quận đến chăm sóc, cắt tỉa cây, đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt trước mùa mưa. Trước đề xuất của đốn cây của Sở Xây dựng sáng nay, ông Phúc cho biết dù rất tiếc vì cây phượng là biểu trưng cho mùa hè nhưng buộc phải chấp nhận.

Xe đạp biến dạng được đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: Quang Anh.

Nói về sự cố đã xảy ra, ông Phúc chia sẻ nhà trường không có chuyên môn sâu về vấn đề liên quan đến cây xanh nhưng đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ khi thuê đơn vị chăm sóc cây hàng năm.

"Sự cố đáng tiếc xảy ra nhà trường không mong muốn nhưng nó xảy ra rồi thì phải chấp nhận. Phóng viên hỏi trách nhiệm quản lý cây thuộc về ai thì rõ ràng trưởng cái trường có trách nhiệm trước. Bản thân tôi là chịu trách nhiệm chính", Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng thừa nhận.

Ông Phúc khẳng định tài sản trong khuôn viên trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm. Hiểu vấn đề này nên hàng năm, trường đều quan tâm đến việc chăm sóc cây xanh và đảm bảo an toàn trường học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Văn Nguyện.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng chia sẻ đây là vụ việc hết sức đáng tiếc và lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố. Ông Nam khẳng định hàng năm, sở luôn có 2 văn bản chỉ đạo lãnh đạo trường về đảm bảo an toàn trường học.

Ông Nam nhận định thời gian qua, gần 2.000 trường học trong thành phố đều thực hiện tốt hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh và cây đổ là sự việc "đáng tiếc". Tuy nhiên việc quản lý, cắt tỉa cây liên quan nhiều cơ quan.

"Cây nào lớn, cao trên 10 m, muốn đốn thì trường phải xin phép, hiệu trưởng không được tự xử lý. Cây lớn hay nhỏ, đốn hay không đốn, hiệu trưởng không được quyết mà cơ quan chức năng phải đến thẩm định", ông Nam khẳng định.

Sau vụ việc, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng cho biết các học sinh tại trường vẫn tiếp tục đi học bình thường. Tuy nhiên, nhà trường và ngành giáo dục quận sẽ có kế hoạch hỗ trợ các học sinh bị sang chấn tâm lý sau vụ việc để giúp các em sớm ổn định, học tập bình thường.

Khoảng 6h22' ngày 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) trốc gốc đè trúng 13 học sinh.

Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP