Trong nước

Hình ảnh cầm xì gà tiếp dân dễ gây phản cảm

Liên quan đến hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ (Thanh tra Chính phủ) gây xôn xao dư luận khi một tay cầm hồ sơ, một tay cầm điếu xì gà, trao đổi với VietNamNet, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng đó là hình ảnh rất dễ gây phản cảm.

Cần hình ảnh quan chức thật và phù hợp

Theo ông, hình ảnh quan chức khi tiếp xúc với người dân nên như thế nào để không gây bức xúc?

Tôi thấy có hai thái cực. Một là của nhà chính khách thích đóng kịch. Không ít những vị quan chức (tôi không nói cụ thể) bố trí hình ảnh của mình như ăn mặc lam lũ đi gặp dân.

Thứ hai là thái cực ngược lại, những người không ý thức được hình ảnh của mình dẫn đến phản cảm.

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

Điều người dân cần là họ sống thật. Họ vẫn có quyền sử dụng những gì họ có nếu là chính đáng, họ có quyền vươn tới một đời sống tốt đẹp chứ không nên buộc họ đóng vai người nghèo.

Thời kỳ tôi mới vào QH, bàn về tài sản của các vị ra ứng cử thì thấy nghèo quá. Nghèo chỉ là thời đánh Pháp đuổi Nhật thôi chứ. Người ta biết làm giàu thì mới vực cả xã hội lên được.

Vấn đề là phải hình ảnh thật. Có thể chỗ này các vị ăn mặc rất đàng hoàng nhưng chỗ kia thì lại khác, sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

Lãnh đạo đi chống lũ thì phải sẵn sàng xắn quần lội nước. Điều này chính là ý thức của nhà chính khách về hình ảnh của mình, nhưng không nên cực đoan đến mức như đóng kịch. Còn anh vô tâm, chả quan tâm gì đến hình ảnh của mình thì đấy là ý thức. Đó cũng là phẩm chất của một nhà chính trị.

Nếu ông nhìn thấy hình ảnh một vị lãnh đạo tiếp dân mà tay cầm hồ sơ, tay cầm điếu xì gà hay một ông chủ tịch quận đi dẹp vỉa hè mà dùng điện thoại và đồng hồ sang trọng thì ông nghĩ gì?

Hình ảnh bề ngoài như thế thì rất dễ gây phản cảm. Nhưng phải nói một điều, hình ảnh thông tin tuỳ thuộc vào thời điểm. Hút xì gà không phải là xấu. Ông ấy đang ngồi hút xì gà, người dân đưa đơn có nhận không? Nếu anh có ý thức thì có thể hẹn người dân và giữ đúng lời hứa với dân.

Hình ảnh phóng viên chụp lên phản ảnh sự thực nhưng đằng sau sự thực đó có những điều khác mà bản thân mỗi cán bộ, lãnh đạo nên ý thức. Hình ảnh đó nhắc nhở con người phải thích ứng với hoàn cảnh, môi trường sống của mình và cộng đồng. Người làm chính trị phải ý thức được việc đó.

Hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Tiền Phong

Dư luận rất khắt khe với hình ảnh của các quan chức khi xuất hiện trước công chúng như ăn mặc, đồng hồ, điện thoại… và thường rất dị ứng nếu những vật dụng ấy đắt tiền. Theo ông, điều này nói lên tâm lý xã hội hiện nay như thế nào?

Điều đó phản ảnh tâm thế của xã hội bây giờ, giữa sự chênh lệch đời sống, kể cả những bất công và rõ ràng là tham nhũng đang diễn ra nhiều nơi thì người ta sẽ coi đấy như là những chứng cứ của tham nhũng.

Không phải tự nhiên mà chúng ta quan tâm đến việc kê khai tài sản của quan chức.

Mong quan chức giàu, cả nước mới giàu được

Liệu đấy có phải là nghi ngờ của người dân khi mà thực tế lương của quan chức nhà nước không cao nhưng đời sống, tiêu dùng lại “đẳng cấp”?

Mỗi trường hợp khác nhau. Người ta làm công chức nhà nước nhưng gia đình họ có DN lớn. Thì việc họ tiêu dùng như thế không phải là ghê gớm.

Tuy nhiên khi họ ở cương vị là người lãnh đạo, người dân nhìn vào thì điều đó là phản cảm. Cho nên điều này phụ thuộc vào ý thức của họ. Ai chẳng muốn đeo đồng hồ đắt tiền nhưng vấn đề là dùng lúc nào cho phù hợp.

Thật ra văn hoá rất đơn giản là quan hệ, ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Mùa đông thì không thể ăn mặc phong phanh được, quan chức gặp dân thì nên có trang phục phù hợp. Còn tiệc tùng với bạn bè thì thoải mái.

Sống giản dị là một tiêu chí nhưng không nhất thiết ai cũng vậy. Anh có những thú vui riêng của anh nhưng phải để ở chỗ khuất, không nên khoe khoang. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, không nên biến tất cả mọi người nhất thiết như nhau, nếu như thế thành giả dối.

Tôi đủ nguồn thu nhập chính đáng, tại sao tôi không có quyền sống tương xứng với mức thu nhập của tôi. Điều đó còn liên quan đến sự phát triển của xã hội, kích thích mọi người làm giàu một cách chính đáng. Anh ăn mặc xuềnh xoàng chưa chắc đã là hình ảnh hay.

Người dân mong quan chức giàu thì cả nước mới giàu được. Vấn đề là giàu kiểu gì, bằng cách nào để giàu lên.

Quan chức làm thế nào để mọi người cùng giàu lên và mình mà giàu có bằng con đường chân chính thì đấy là mặt tích cực.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP