Dọc con đường dẫn vào xã Suối Trầu, huyện Long Thành, khu vực sẽ bị giải tỏa trắng, là những vườn cao su già cỗi. Những hàng cao su ven đường được dán chi chít những tấm biển rao bán đất nền với giá từ 550 triệu đồng -770 triệu đồng/nền.
|
Theo tìm hiểu, đối tượng khách hàng mà môi giới rao bán nền hướng tới là người dân ở những khu vực bị giải tỏa. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì đa số họ không đủ tiền để mua. Tất cả đang chờ được nhận tiền đền bù và bố trí tái định cư.
|
Đi qua khu vực rừng cao su này là khu dân cư ấp 1, xã Suối Trầu. Tại đây, nhiều căn nhà đóng cửa im ỉm, cỏ dại mọc đầy sân, một số ngôi nhà xuống cấp nhưng chủ nhân không tu sửa. Những người dân địa phương cho biết, từ khi có quy hoạch dự án, chính quyền đã yêu cầu họ giữ nguyên hiện trạng. Do đó, không ai dám xây dựng mới, có sửa chữa thì cũng chỉ làm tạm bợ.
|
Theo người dân xã Suối Trầu, do phải giữ nguyên hiện trạng nên không ai dám đầu tư gì. Nhiều vườn điều đã 15-20 năm tuổi, không cho trái nữa nhưng không ai dám chặt vì sợ không được đền bù. Thanh niên đành phải đóng cửa đi làm thuê hoặc làm công nhân kiếm sống.
|
Vợ chồng ông Đường (người dân ấp 1, xã Suối Trầu) đã nhiều tuổi, không thể đi làm thuê nên phải thuê một căn nhà ở mặt đường, để bán đồ ăn sáng kiếm sống. Tuy nhiên, ông cũng chỉ kê mấy cái bàn ghế tạm bợ để bán chứ không dám đầu tư nhiều vào quán.
|
Tiến sâu vào khu vực ấp 2 và ấp 3 xã Suối Trầu, khung cảnh còn tiêu điều hơn. Nhiều con đường đã xuống cấp nghiêm trọng, đầy ổ gà, ổ voi vì lâu rồi không được đầu tư cải tạo. Hệ thống các trường học trên địa bàn xã cũng xuống cấp, tường gạch bong tróc, bàn ghế xiêu vẹo.
|
Ngay cả trụ sở UBND xã Suối Trầu cũng cùng chung hoàn cảnh. Năm 2016, do quá chật chội và xuống cấp, nơi đây đã phải đầu tư xây thêm 5 phòng làm việc mới nhưng chỉ xây dạng cấp 4, lợp tôn.
|
Đa số những người dân ở đây được hỏi đều mong muốn dự án sớm được triển khai. Người dân sớm được đền bù và chuyển đến nơi tái định cư để ổn định cuộc sống.
Tác giả: Mạnh Đức
Nguồn tin: Báo VietNamNet