Tin trong tỉnh

HIV/AIDS bủa vây vùng cao

Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao, miền núi, biên giới đang diễn biến phức tạp. Địa bàn rộng, tội phạm ma túy nhiều, tiêm chích tràn lan… là những tác nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực này

Tiền Phong là một xã vùng cao thuộc huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An, vốn là nơi thanh bình, người dân quanh năm chỉ biết nương rẫy. Nhưng gần 20 năm trước, cơn lốc ma túy từ Lào tràn vào xã nghèo này khiến nhiều người dân vướng vào nghiện ngập. Tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn khiến tỉ lệ nhiễm HIV ở đây tăng cao. Theo thống kê mới nhất, toàn xã Tiền Phong đang có tới 412 người nhiễm HIV.

Hoành hành thôn bản nghèo

Về "điểm nóng HIV" Tiền Phong, theo sự dẫn đường của anh Nguyễn Văn Quyết, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, chúng tôi tìm đến nhà chị Hà Thị T. (SN 1993, ngụ bản Tạng), một bệnh nhân HIV/AIDS. Trong căn nhà sàn nhỏ là một phụ nữ gầy yếu, khắc khổ. Không giấu được nỗi buồn, chị T. chia sẻ: "Năm 2017, lúc có bầu sắp sinh, tôi đi khám thì bác sĩ bảo đã nhiễm HIV nhưng không tin lắm. Sau khi sinh con, được mấy tháng, thấy sức khỏe yếu, tôi đi khám lại và mới tin mình nhiễm HIV".

Chị Hà Thị T. cùng 2 con sinh đôi bị nhiễm HIV

Chị T. cho biết đầu năm 2018, khi đưa 2 con trai đi kiểm tra, các bác sĩ khẳng định các cháu đã bị nhiễm HIV từ mẹ. "Mình thì sao cũng chịu đựng được, chỉ thương cho 2 đứa con. Tháng nào tôi cũng một mình bắt xe từ nhà đi gần 200 km xuống TP Vinh lấy thuốc về cho con uống. Nhìn con tôi không cầm được nước mắt" - chị T. nức nở.

Tại bản Tạng, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hoàn cảnh hết sức đáng thương khi không may nhiễm HIV. Đó là trường hợp của chị C.T.D, anh L.V.X, cháu L.T.M... Bà Nguyễn Thị Hải, cán bộ Trung tâm Y tế xã Tiền Phong, thở dài: "Ở đây nhiều người bị nhiễm HIV lắm, chỉ riêng bản Tạng đã có 52 người, trong đó 7 người chuyển sang AIDS đã tử vong".

Rời bản Tạng, men theo con đường dọc triền núi quanh co, chúng tôi tìm đến bản Na Nhắng, nơi sinh sống của người dân tộc Khơ Mú. Đón chúng tôi ở đầu bản là chị Hồ Thị Phương Lê, cán bộ y tế bản. Vừa đi, chị vừa kể vanh vách về các trường hợp người dân của bản bị HIV. "Bản ít người nhưng có tới 20 người bị HIV. Hoàn cảnh của họ rất đáng thương, nhiều gia đình không đủ ăn. HIV/AIDS đang hoành hành khắp các thôn bản " - chị Lê nói.

Chị Lê dẫn chúng tôi vào nhà vợ chồng anh C.V.N (SN 1975) và chị L.T.Q (SN 1980). Anh C.V.N nhớ lại cách đây 3 năm, thấy người không khỏe, đi khám mới biết mình bị nhiễm HIV. Nhiều người cũng chậm phát hiện như anh, đến lúc chuyển thành bệnh thì đã muộn. Trong lúc chúng tôi trò chuyện với anh N., chị Q. ôm con nhỏ ngồi bên chồng, nước mắt giàn giụa: "Chồng mắc bệnh rồi mình cũng bị lây. Giờ sức khỏe của hai vợ chồng yếu, ốm đau thường xuyên, không biết có sống được ít năm nữa để nuôi 3 con khôn lớn hay không...".

Chị L.T.Q không cầm được nước mắt khi kể về việc mình cùng chồng không may nhiễm HIV

Chưa biết bao giờ dừng lại

Tại Trạm Y tế xã Tiền Phong, khi được hỏi về những trường hợp mang trong mình căn bệnh AIDS do lây nhiễm HIV, y sĩ Lương Thị Kiên, trưởng trạm y tế xã, liền đưa cho chúng tôi một cuốn sổ dày cộp ghi lại danh sách những người bệnh. "Theo con số chúng tôi thống kê được thì cả xã có 412 trường hợp nhiễm HIV, trong đó nhiều nhất là bản Na Sành (58 người); kế đến bản Tạng (52 người), bản Long Quang (45 người), bản Huồi Muông (25 người)... Mỗi lần đi xuống bản khám, xét nghiệm lại phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc HIV mới. Buồn quá, không biết đến bao giờ con số những người bị nhiễm HIV trên địa bàn xã mới dừng lại" - y sĩ Kiên thở dài.

Bác sĩ Mạc Văn Lâm, Phòng khám OPC (chuyên điều trị bệnh nhân HIV/AIDS) thuộc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, thông tin thêm toàn huyện Quế Phong hiện có 1.123 người nhiễm HIV đang lấy thuốc, điều trị tại phòng, trong đó nhiều nhất là 2 xã Tiền Phong (369 người) và Mường Nọc (219 người). Theo bác sĩ Lâm, việc điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn vì hầu hết bệnh nhân thuộc diện nghèo, nhận thức hạn chế, công việc và nơi ở không ổn định.

Còn theo bác sĩ Lang Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên trên địa bàn huyện là vào năm 1998 và từ đó, số lượng nhiễm HIV, tử vong do AIDS không ngừng tăng. Theo bác sĩ Thái, nguyên nhân khiến số người trên địa bàn huyện nhiễm HIV cao là vì Quế Phong là huyện miền núi cao giáp Lào, tình hình mua bán, sử dụng ma túy phức tạp. Nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn, nhiều người nghiện dùng chung bơm kim tiêm để chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn nên dễ dẫn đến lây nhiễm. "80% các trường hợp nhiễm HIV là do tiêm chích ma túy, 20% còn lại là lây qua đường tình dục và các con đường khác" - bác sĩ Thái nhấn mạnh.

Rời xã Tiền Phong lúc xế chiều, cơn mưa rừng khiến đoạn đường quanh co xuôi theo Quốc lộ 48 khoảng 200 km về TP Vinh như dài thêm. Hình ảnh những đứa bé vừa lọt lòng mẹ đã mang trên mình căn bệnh thế kỷ khiến chúng tôi vô cùng xót xa. Đại dịch HIV đã và đang khiến những người dân xã nghèo kiệt quệ.

Nghệ An có gần 10.000 người nhiễm HIV

Tính đến đầu tháng 8-2018, toàn tỉnh Nghệ An phát hiện 9.594 trường hợp nhiễm HIV; 5.864 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS; 3.993 trường hợp tử vong do AIDS. TP Vinh, huyện Diễn Châu và các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Quỳ Hợp chiếm khoảng 65% tổng số người nhiễm HIV đang được quản lý trên toàn tỉnh. Tỉ lệ nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy chiếm 81,9% trong tổng số người nhiễm.

Tác giả: Đức Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: quế phong , hiv

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP