Nhiều tuyển thủ Việt Nam mất phong độ khi về CLB - Ảnh: Zing |
King’s Cup 2019 - giải đấu tập dượt quan trọng cho vòng loại World Cup 2022 đã cận kề nhưng HLV Park Hang-seo không khỏi lo lắng khi nhiều tuyển thủ Việt Nam chơi không tốt trong màu áo CLB.
Tuyến nào cũng có vấn đề
Dự kiến cuối tháng 5, đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân chuẩn bị dự King’s Cup 2019, giải đấu diễn ra ở Thái Lan. Tuy đây chỉ là một giải giao hữu nhưng lại có ý nghĩa quan trọng với thày trò HLV Park Hang-seo và được coi như cuộc tập dượt quy mô cho vòng loại World Cup 2022. Vì lẽ đó, đoàn quân áo đỏ chắc chắn không dự King’s Cup 2019 để cho vui.
Hiện tại, HLV Park Hang-seo đang tích cực lên kế hoạch nhân sự cho ngày hội quân. Có nhiều ý kiến mong muốn ban huấn luyện tuyển Việt Nam sẽ trao cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài nhưng kịch bản này khó thực hiện trong tương lai gần. Về cơ bản, thành phần đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ là các cầu thủ đang thi đấu trong nước.
Nói vậy không có nghĩa HLV Park Hang-seo dễ dàng trong việc chọn quân lên tuyển, nhất là khi nhìn vào thực trạng nhiều tuyển thủ chơi mờ nhạt tại V-League 2019. Trong khung gỗ, thủ thành số 1 Đặng Văn Lâm liên tiếp để thủng lưới ở CLB Thái Lan Muangthong United. Tương tự là thủ thành số 2 Tuấn Mạnh khi Sanna Khánh Hòa nằm trong top đội bị lọt lưới nhiều nhất V-League 2019 (15 bàn sau 7 vòng). Bùi Tiến Dũng còn đáng báo động hơn khi không ra sân phút nào từ đầu mùa.
Phía trên, Văn Thanh vừa trở lại sau chấn thương, dự kiến mất thời gian dài trở lại đỉnh cao. Trọng Hoàng phải ngồi ngoài cả giai đoạn lượt đi do CLB Viettel không kịp đăng ký và cánh phải đang trở nên mong manh. Ở hàng thủ trung vệ Quế Ngọc Hải bị treo giò 3 trận, chơi mờ nhạt nơi hàng thủ Viettel. Hàng tiền vệ cũng đáng lo ngại bởi Huy Hùng đánh mất mình, chìm nghỉm cùng lối chơi nhạt nhòa của CLB Quảng Nam. Lương Xuân Trường gần như chỉ ngồi dự bị tại CLB Thái Lan Buriram United.
Nơi hàng công, người hâm mộ cũng không khỏi ngao ngán khi chứng kiến Hà Đức Chinh hết trận này tới trận khác kém duyên. Chủ công Công Phượng vật lộn tìm vị trí ở CLB Hàn Quốc Incheon United. Văn Toàn phập phù, trận hay trận dở còn Văn Đức chưa thi đấu vì chấn thương. Nguyễn Tiến Linh đã bình phục nhưng khó chơi với phong độ cao nhất trong thời gian tới.
Với tất cả những dẫn chứng như vậy, HLV Park Hang-seo có lý do để lo lắng. Chẳng phải bỗng dưng nhà cầm quân này sốt sắng trong việc xem giò các cầu thủ Việt kiều hay gửi lời mời hai cựu binh Thành Lương, Anh Đức trở lại đội tuyển quốc gia. Nhưng đằng sau việc nhiều tuyển thủ xuống phong độ khi trở lại CLB vẫn cần có sự lý giải thích đáng.
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, khi thi đấu cho tuyển quốc gia, cầu thủ có sự tập trung cao độ, hưng phấn cao độ nên thường thể hiện được hết khả năng. Ngoài ra, các giải đấu cấp đội tuyển thường thi đấu ít trận nhưng mật độ dày nên thể lực bị bào mòn. Còn trở về CLB, mọi thứ đều giảm sút nên cầu thủ thường mất một thời gian để lấy lại cảm giác chơi bóng tốt nhất. Ngay cả Quang Hải của CLB Hà Nội cũng mất mấy vòng đầu chơi không tốt trước khi thăng hoa.
“Cầu thủ ở các nền bóng đá tiên tiến không phải trải qua quãng chùng về mặt phong độ. Nhưng cầu thủ Việt Nam lại khác, trình độ chuyên môn, nền tảng thể lực của chúng ta thua kém họ nên không thể duy trì phong độ ổn định suốt một chặng đường dài, từ CLB đến đội tuyển”, ông Vinh phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nhìn nhận, rất nhiều tuyển thủ khi rời đội tuyển có tư tưởng thả lỏng, không ép mình vào khuôn khổ. Cộng thêm kỷ luật ở CLB thấp nên dễ dẫn tới chểnh mảnh trong tập luyện, thi đấu.
HLV Triệu Quang Hà cho rằng: “Đội tuyển quốc gia là tập hợp của những cầu thủ tốt nhất, được tổ chức tốt nên cầu thủ dễ dàng phát huy khả năng. Ngược lại, không nhiều CLB tại Việt Nam đạt được điều kiện tương tự. Hà Nội FC là cái tên gần như duy nhất có lực lượng hùng hậu, chất lượng nên cầu thủ của họ lên tuyển về thường mất ít thời gian để hòa nhập hơn”.
Đâu là giải pháp?
Thực tế, việc các tuyển thủ khi về CLB thi đấu kém khởi sắc đã trở thành thực trạng của bóng đá Việt Nam. HLV Toshiya Miura từng chua chát phát biểu rằng, mỗi lần đội tuyển tập trung, ông gần như phải huấn luyện lại từ đầu. Muốn giải quyết thực trạng trên, theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, các CLB phải ý thức về sự chuyên nghiệp, xây dựng đội bóng theo chuẩn từ tập luyện, sinh hoạt tới thi đấu. Chỉ như vậy, các cầu thủ mới có được môi trường đồng bộ giữa đội tuyển và CLB.
“Nếu CLB làm tốt, đội tuyển sẽ hưởng lợi. Ở nước ngoài, đội tuyển chỉ tập trung vài ngày là đá được. Chúng ta tập trung cả tháng vẫn thấy thiếu là vì lẽ đó. Cầu thủ Việt Nam gần như sống trong hai môi trường hoàn toàn khác biệt”, ông Vinh phân tích.
Ngoài việc tập trung xây dựng đội bóng chuyên nghiệp, kỷ luật, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh còn đưa ra một giải pháp khác nhưng theo ông trong bối cảnh hiện tại, các CLB ở Việt Nam khó làm được: “Mỗi CLB hãy học tập Hà Nội, tạo ra nguồn cầu thủ tốt, đá chính và dự bị không chênh lệch quá nhiều. Như vậy sẽ hỗ trợ được nhiều cho các tuyển thủ khi họ rời đội tuyển về thi đấu cho đội bóng chủ quản”.
HLV Triệu Quang Hà nêu quan điểm, muốn cầu thủ lên tuyển về chơi tốt, phương pháp huấn luyện của các CLB phải hoàn thiện. “Đa phần các CLB khi cầu thủ trở về từ đội tuyển thì HLV không có sự điều chỉnh tốt về khối lượng tập luyện, tâm lý, họ vẫn phải theo giáo án của toàn đội. Điều này xuất phát từ việc HLV trưởng ở các CLB phải kiêm gần như mọi vai trò, không có sự chuyên biệt. Theo tôi, mỗi CLB nên có một HLV thể lực nhằm có những bài tập phù hợp, giúp cầu thủ vừa thi đấu ở đội tuyển có sự hồi phục nhanh nhất. Nếu tập theo thói quen, ngoài việc không đảm bảo thể lực thi đấu thì còn dễ gây ra chấn thương. Xuân Mạnh và Văn Đức của SLNA là hai ví dụ điển hình. Cả hai trở về từ tuyển và chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn. Thể lực là nền tảng cho chiến thuật, khi thể lực không tốt, bất kỳ cầu thủ nào cũng sẽ chơi dở”, ông Hà nói.
Tác giả: Hữu Hiệp
Nguồn tin: Báo Giao thông