Sốc nhiễm khuẩn nhanh chóng khi mới nhập viện
Ngày 26/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đang điều trị cho bệnh nhân N.A.T (43 tuổi, trú huyện Tân Lạc) bị nhiễm vi khuẩn Whitmore có biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Bệnh nhân T. làm nghề nuôi lợn tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang, khoảng 3 – 4 tháng mới về thăm gia đình. Công việc thường ngày của anh này là cho lợn ăn, tắm rửa cho đàn lợn và vệ sinh chuồng trại.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2, anh T. không về quê mà ở lại khu công nghiệp. Khi đang làm việc, anh T. bị sốt cao 3 ngày liên tục nhưng vẫn đi làm. Đến khi khó thở tăng dần mới nghỉ việc về quê ở Tân Lạc, Hòa Bình.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (ảnh: BSCC). |
Anh T. đến cơ sở y tế địa phương khám trong tình trạng sốt cao liên tục, khó thở và viêm phổi nặng. Bệnh nhân đã được cách ly y tế ngay lập tức, sau đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm Covid-19, bệnh nhân diễn biến nặng lên, kèm theo tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Sau đó, được hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và được cách ly ngay khi nhập viện.
Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), khi nhập viện, bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy gan cấp, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên. Bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ nên không khai thác được yếu tố dịch tễ.
Để chủ động phòng dịch Covid-19, bệnh viện bố trí khu riêng biệt để điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm để có kết quả RT-PCR trong thời gian sớm nhất.
Bệnh nhân cũng được chỉ định nuôi cấy máu, cấy đờm để tìm nguyên nhân do vi khuẩn. Đồng thời, bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình sau đó thông báo kết quả bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 và lần 2.
Nguy cơ anh T. bị nhiễm Covid-19 được loại trừ, các bác sĩ tập trung tìm nguyên nhân gây viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Sau đó, kết quả cấy máu phân lập được vi khuẩn gây bệnh Whitmore (melioidosis) căn bệnh vẫn được đồn đoán là “vi khuẩn ăn mòn cơ thể”.
Tại BV Phổi Nghệ An, ca bệnh nhiễm Whitmore cũng phải trải qua hơn 1 tháng điều trị mới qua khỏi nguy kịch.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập |
Bệnh nhân là anh N.K.T. (49 tuổi, ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh.
Trước khi vào viện khoảng 2 tuần bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ho khạc đờm đục, tức ngực khó thở đã đi khám và điều trị một vài cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện vẫn còn sốt, ho khạc đờm, khó thở nhiều nên vào khám và nhập viện tại bệnh viện Phổi Nghệ An.
BS.CKI. Nguyễn Thị Hằng - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, bệnh viện Phổi Nghệ An là bác sĩ theo dõi và điều trị cho biết: Vào ngày 17/7/2020, khi mới nhập viện bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, mệt nhiều, khó thở và phù toàn thân.
Lúc này bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, qua thăm khám và khai thác từ người bệnh, bệnh nhân có những dấu hiệu chỉ điểm (bệnh nhân là thợ xây, chân tay có nhiều vết xước và có tình trạng sốc nhiễm khuẩn) nên các bác sĩ tại khoa đã nghĩ đến bệnh nhân bị mắc một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (hay còn gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người) - căn bệnh bị “lãng quên” gần đây xuất hiện nhiều trở lại”, BS.CKI. Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Nguy cơ tử vong cao
Với ca bệnh ở Nghệ An, bệnh nhân trải qua quá trình điều trị gần 1 tháng rất căng thẳng. Bệnh nhân sốt cao liên tục, khó thở tăng lên và dẫn đến hiện tượng suy hô hấp cấp vì hiện tượng viêm phổi ngày càng lan tỏa và nặng lên, phải đặt nội khí quản thở máy xâm nhập.
Có thời điểm gia đình không còn hy vọng người bệnh có thể hồi phục vì tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng diễn biến xấu đi.
Nhưng các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa vẫn quyết tâm, thuyết phục gia đình kiên trì cứu chữa cho bệnh nhân.
Sau gần nửa tháng tích cực điều trị, đến những ngày đầu tháng 8/2020, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng dần với điều trị.
Hiện bệnh nhân N.K.T. đã bình phục và trở về nhà. |
Các chỉ số xét nghiệm và phim X-quang tốt lên từng ngày. Đến ngày 20/8 sau hơn 1 tháng nằm điều trị bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
BS.CKI. Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm: “Đây là một trong những ca Whitmore nặng, nguy kịch, diễn biến kéo dài nhiều lúc tưởng chừng “bó tay” nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc cùng với sự cộng tác từ người nhà trong công tác chăm sóc và điều trị tích cực cho người bệnh, cuối cùng cũng đã thành công. Người bệnh đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần vì căn bệnh nặng và hiểm nghèo đã từng đe dọa mạng sống của họ”.
Trường hợp nhiễm "vi khuẩn ăn thịt" tại Hòa Bình, bệnh nhân hiện cũng đã qua cơn nguy kịch, đã bỏ được máy thở, bỏ được thuốc vận mạch và dừng lọc máu liên tục, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Được biết, bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) thường có các dấu hiệu lâm sàng đa dạng phức tạp nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: Viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Bệnh có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Tác giả: Thanh Bình - Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí