Kinh tế

Hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao vì những nguyên nhân này

Hóa đơn tiền điện của người dân TPHCM tăng cao bởi nhiều nguyên nhân như: số ngày sử dụng tăng, giá điện tăng, mức tính giá điện ở các bậc thang tính khác nhau và nhiệt độ thời tiết nắng nóng kéo dài.

Nhiều người dân tại TPHCM lo lắng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 và tháng 4.

Nhiều người dân tại TPHCM đang khá lo lắng về việc hóa đơn tiền điện tháng 3 và tháng 4 tăng cao hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên, ngành điện lực TPHCM đã phản hồi về lý do hóa đơn tiền điện tăng cao.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, sở dĩ hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 sẽ cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày. Trong khi đó, tháng 3 lại có đến 31 ngày, tức là số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 3 sẽ tăng lên 3 ngày.

"Tháng 2 cũng là tháng có kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên nhiều người dân TPHCM sẽ về quê hoặc đi du lịch nên việc sử dụng điện trong tháng 2 sẽ ít hơn", đại diện EVN HCMC nói.

Cũng theo đại diện của EVN HCMC thì nguyên nhân tiếp theo đó chính là giá điện đã được tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 theo Quyết định 648 của Bộ Công Thương.

Nguyên nhân kế tiếp chính là nắng nóng kéo dài tại TPHCM trong tháng 3 và tháng 4 cũng là lý do khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, bởi các thiết bị sinh hoạt trong gia đình sẽ phải tăng công suất làm việc hơn.

Cụ thể, nếu gia đình thường xuyên chọn nhiệt độ máy lạnh ở khoảng 25 độ C và nhiệt độ bên ngoài là 32 độ C thì chiếc máy lạnh sẽ làm mát nhanh hơn bởi nhiệt độ chênh lệch là không lớn.

Tuy nhiên, nếu cũng mở máy lạnh ở nhiệt độ 25 độ C và nhiệt độ bên ngoài lên tới 36 – 37 độ C thì chiếc máy lạnh sẽ phải làm việc nhiều hơn, thời gian để làm mát tới nhiệt độ mong muốn cũng lâu hơn do nhiệt độ chênh lệch lớn. Và để duy trì nhiệt độ này cũng tốn nhiều năng lượng hơn.

Điều hòa nhiệt độ nên bật ở mức 25 độ C trở lên để tiết kiệm điện năng.

Ngoài ra, nếu sản lượng điện tiêu thụ của người dân tăng cao sẽ khiến cho mức thang tính giá điện sẽ khác nhau.

Cụ thể, một gia đình sử dụng 200 kWh điện trong một tháng thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 3, tức 2.014 đồng/kWh. Như vậy, gia đình này bình thường chỉ phải trả khoảng 402.000 đồng.

Thế nhưng, trong đợt nắng nóng kéo dài, gia đình nói trên có sản lượng điện tiêu thụ tăng lên 300 kWh thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 4, tức 2.536 đồng/kWh.

Như vậy, gia đình này sẽ phải trả số tiền lên tới 768.000 đồng, tức tiền điện tăng đến 91% dù sản lượng điện sử dụng chỉ tăng 50%.

Thời tiết nắng nóng cũng kéo theo việc hóa đơn tiền điện tăng mạnh do nhu cầu sử dụng điện tăng cao

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Công ty Điện lực TPHCM thì trong mùa nắng nóng, người dân càng phải tiết kiệm điện hơn. Người dân nên sử dụng các thiết bị điện đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và nên ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng.

“Người dân nên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, bật máy điều hòa ở mức 25 độ C trở lên nhằm tiết kiệm điện. Tận dụng ánh sáng, gió thiên nhiên để giảm nắng nóng. Mọi người nên chọn mua các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, kiểm tra đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát điện”, ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

Cũng theo ông Bảo, từ đầu năm đến nay, công ty này đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM chủ yếu trong sinh hoạt và dịch vụ, trong đó điện sinh hoạt chiếm đến 41%. Việc tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi phí tiền điện vừa góp phần vào việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho thành phố.

Tác giả: Đại Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP