Kinh tế

Hoạt động đầu cơ bất động sản có xu hướng tăng trở lại

Báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, sau giai đoạn hồi phục kể từ lần chạm đáy năm 2012, hoạt động đầu cơ đang gia tăng trở lại. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ đang diễn ra rất sôi động, đặc biệt trên thị trường bất động sản (BĐS).

Vốn tín dụng đổ vào bất động sản vẫn cao

Báo cáo của VDSC cho hay, hiện gần 1/2 số giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu cơ, điều này đã đẩy giá căn hộ lên cao. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ lan rộng tại thị trường đất nền. Những tin đồn liên quan tới các dự án cơ sở hạ tầng và kỳ vọng thái quá của giới đầu cơ đã thổi giá trị tài sản bất động sản trong thời gian qua.

Hoạt động đầu cơ BĐS đang có xu hướng gia tăng trở lại (Ảnh TL)

Điều này một phần nào được thể hiện qua số liệu của NHNN. Hiện vốn tín dụng vào khu vực BĐS chiếm 10% tổng dư nợ cho vay. Nếu tính cả khoản cho vay mua nhà dưới dạng tín dụng tiêu dùng, con số trên có thể lên tới 18-20% tổng dư nợ, tương đương 55 tỷ USD. Rõ ràng, điều này cao hơn mức an toàn 8-10% nhưng thấp hơn mức đỉnh 30% trong giai đoạn 2007-2008.

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng của các tổ chức tín dụng là 529.579 tỷ đồng (tăng 9,21% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng 8,14% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực BĐS cũng là 4,58% - khá cao so với tỷ lệ nợ xấu chung là dưới 3%. Ngoài ra, cho vay phục vụ đời sống về nhà ở là 591.533 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 17% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Nhận thức được những rủi ro này, NHNN đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt dòng vốn tới thị trường BĐS. Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất cho vay với người mua nhà. Từ quý 2/2018, quy mô giao dịch căn hộ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm trên 20%. Bên cạnh đó, giá đất nền đã điều chỉnh giảm mạnh trong các tháng gần đây. Tại các khu vực ngoại ô của TP Hồ Chí Minh, giá đất nền đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh hồi đầu năm nhưng vẫn cao hơn năm 2017.

Hạn chế “bong bóng” bất động sản

Nhiều chuyên gia ngân hàng đánh giá, mặc dù NHNN đã có động thái thắt chặt hoạt động huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực BĐS nhưng cho vay bất động sản thường có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cho vay cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi có cơ hội, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung cho vay nhiều đối với lĩnh vực bất động sản.

Những giải pháp về tín dụng trong thời gian qua được cho là sẽ tạo thêm điều kiện cho thị trường BĐS (Ảnh TL)

Trước thực tế trên, nhiều lo ngại cho rằng, khi dòng vốn dành quá nhiều vào lĩnh vực BĐS sẽ có tác động đẩy giá tăng cao, tạo nguy cơ "bong bóng" BĐS. Tuy nhiên, để đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, không xảy ra “bong bóng”, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện tại cần triển khai một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án BĐS. Thứ hai, nới lỏng tín dụng, tăng hạn mức cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp. Thứ ba, để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng, phải xác định việc cho vay để mua nhà ở, BĐS cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là các đối tượng mua bất động sản để đầu cơ. Thứ tư, cần sớm ban hành chính sách thuế để chống đầu cơ trong lĩnh vực BĐS.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho hay, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ. Động thái này nhằm góp phần vào việc công khai, minh bạch thị trường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tác giả: Minh Thùy

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP