Giới trẻ

Học để lo cho mẹ, chữa bệnh cho cha

Hai cô bé ở Đà Nẵng đều lớn lên trong cảnh người cha bệnh tật, có lần ngược đãi mấy mẹ con. Nhưng các em vẫn một lòng thương ba, gắng học hành để lo cho mẹ.

Góc học tập của Đào Trần Thùy Trâm - Ảnh: THẢO NGÂN

Đó là Đào Trần Thùy Trâm, lớp 11 trường THPT Thái Phiên và Nguyễn Hoài Thảo Vy lớp 6 trường THCS Trưng Vương.

Học để lo cho mẹ

Lớn lên trong phòng trọ vài m2 cùng người cha suốt ngày say xỉn và người mẹ bệnh tật, Đào Trần Thùy Trâm vẫn nuôi ý chí học hành với mong muốn lo cho mẹ sau này.

Gia đình vốn khó khăn khi ba Trâm suốt ngày rượu chè rồi nằm nhà không chịu lao động. Rồi mẹ em bị bệnh phải chạy chữa khắp nơi và không có việc làm ổn định.

Một năm trước, ba Trâm bị bệnh gan qua đời, không nhìn mẹ một mình bươn chải, Trâm quyết định lao vào đời khi việc học lưng chừng.

Lịch học của Trâm được dồn lại vỏn vẹn có giờ học trên lớp, việc học thêm cũng khó khăn với quỹ thời gian hạn hẹp của em.

Cuộc sống của hai mẹ con Trâm khó khăn, chật vật đủ bề - Ảnh: THẢO NGÂN

Trước đây, Trâm được ba của cô bạn cùng lớp xin cho vào làm kiểm vé ở khu vui chơi. Ngày làm 14 tiếng, nhưng với em đó là hy vọng duy nhất cho em đỡ đần mẹ.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết, mẹ của Trâm, bị bệnh về thần kinh. Đi lại điều trị tốn kém, bà Tuyết nghỉ hẳn ở nhà, nhưng bệnh hay tái phát khiến bà khổ sở. Bà Tuyết chỉ có mỗi ước mong cho con gái học hành đến nơi đến chốn.

Trâm thương mẹ, lại càng cố gắng học và đi làm. Hè này, mỗi buổi đi học hè, thời gian còn lại Trâm đi xin phụ việc ở một quán chè cách nhà vài cây số với mức lương hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.

Nhìn con đạp xe đi làm, rồi tối đến mỏi nhừ, bà Tuyết cũng xót mà đành chịu. Với sức khỏe của bà, công việc phụ quán ăn mỗi tháng thu nhập cũng không đủ trang trải.

"Tôi nhìn con bé biết nghĩ, trưởng thành như thế vừa vui lại vừa buồn. Buồn vì mình là mẹ mà không lo được cho con. Nhưng vui vì con gái trưởng thành, lỡ mai này tôi không còn, con bé vẫn tự lo cho cuộc sống của mình được" - bà Tuyết trăn trở.

Chiếc xe đạp cà tàng là tài sản lớn nhất của cô bé bởi đây là phương tiện giúp Trâm đi học, đi làm mỗi ngày - Ảnh: THẢO NGÂN

Có năng khiếu với môn Văn và Anh văn nên Trâm đầu tư sâu vào các môn học này, chuẩn bị cho năm học cuối cấp, với mong muốn có công việc ổn định để giúp đỡ mẹ.

Năm học vừa qua, Trâm đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp trường. Thành tích học tập hàng năm của cô bé cũng khiến nhiều người nể phục.

Hè này Trâm phụ việc ở quán chè từ chiều đến tối để kiếm tiền chi phí cho năm học mới - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thấy em có năng khiếu nhưng gia đình không điều kiện, các cô giáo thường dạy thêm miễn phí cho em.

Hỏi Trâm về dự định sắp tới, cô bé bẽn lẽn: "Em chỉ biết cố gắng hết sức, vừa học vừa cân đối công việc sao cho mẹ đỡ khổ mà em vẫn được đến trường, được thực hiện ước mơ vào đại học và có công việc ổn định sau này chăm sóc mẹ".

Theo gánh xôi của mẹ đến trường

Nhà ở chung cư Nại Hiên Đông 2, nhưng vì mẹ đi bán xôi ở tận trung tâm thành phố, mấy chị em Nguyễn Hoài Thảo Vy (12 tuổi) phải theo mẹ lên ở nhờ nhà dì. Trên căn gác xép nóng hầm hầm giữa cái hè oi bức, Vy cặm cụi học bài chuẩn bị vào lớp 7.

Vy phụ mẹ làm sữa đậu nành cho khách - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ngày nhỏ, mỗi lần bệnh tâm thần của ba tái phát, mấy mẹ con Vy bị đuổi đánh, phải ôm nhau chạy trốn. Ký ức mẹ bị ba đánh máu me đầm đìa vẫn không thể nào phai trong suy nghĩ cô bé.

Nhưng khi nhắc đến ba, Vy vẫn nói với giọng đầy yêu thương. "Nay ba uống thuốc rồi, ba hiền và thương ba chị em nên Vy sẽ không để ai đưa ba vô trại đâu" - cô bé nói đầy hồn nhiên.

Dù điều kiện học tập khó khăn là vậy, Vy vẫn luôn học khá giỏi trong nhiều năm liền. Mơ ước lớn nhất của cô học trò nhỏ là trở thành bác sĩ để chữa bệnh tâm thần cho ba.

Cô trò nhỏ giỏi việc nhà và phụ quán giúp mẹ, lanh lợi và lễ phép ai nhìn cũng thương - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Mẹ Vy bà Nguyễn Thị Thủy cứ tối đến đưa con về căn chung cư dành cho người thu nhập thấp, cho con ở với ba nhưng bà vẫn luôn nơm nớp lo sợ an nguy của mấy đứa con khi chẳng may đang ngủ mà ông lên cơn.

Chiều đến tối bà phụ giúp việc cho một nhà hàng, 12h đêm mới về đến nhà nhưng 3h sáng đã phải lọ mọ dậy nấu xôi để sáng trời mang ra vỉa hè bán.

Sáng sớm, sau gánh xôi của bà Thủy lại nem nép hình bóng nhỏ thó, gầy gò của Vy.

Tác giả: ĐOÀN NHẠN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP