Học sinh trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) sử dụng điện thoại sau khi hết giờ học. Ảnh: QĐ |
Dư luận đang xôn xao và có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh quy định mới của Bộ GDĐT về việc học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ học tập khi giáo viên cho phép.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình quy định nói trên với quan điểm phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, giảm áp lực dạy và học, khai thác các tiện ích của mạng Internet trong dạy học, rèn luyện kỹ năng sống…, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại.
Từ ngày 1.11.2020, Bộ GDĐT cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: M.H |
Cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh-Nghệ An) cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trường chúng tôi có khoảng 60% học sinh sử dụng điện thoại di động (trường hiện có 31 lớp, hơn 1.300 học sinh). Nhà trường không cấm các em mang điện thoại di động đến trường, nhưng việc sử dụng điện thoại trong giờ học chỉ được thực hiện khi giáo viên cho phép.
Cô Hòa Bình cho rằng chủ trương của Bộ GDĐT là đúng, tuy nhiên cần chú ý mặt trái của việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh, do đó cần có sự kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên của nhà trường, phối hợp chặt chẽ với gia đình để bảo đảm học sinh không bị các ảnh hưởng tiêu cực từ Internet tác động.
“Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi sự phối hợp, quan tâm thường xuyên, liên tục giữa nhà trường và gia đình, để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh” – cô Hòa Bình nói.
Tại Trường THPT Diễn Châu 3 (Nghệ An), có khoảng 1.500 học sinh, trong đó có hơn 90% học sinh đã có điện thoại thông minh. Nguyên nhân, theo thầy Vương Đình Đông – giáo viên của nhà trường, do đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến, nên phụ huynh đã cố gắng sắm smartphone cho con để học.
“Hiện trường đang cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Ứng dụng của điện thoại đối với việc học tập của học sinh trên lớp cũng chưa thật rõ nét và cấp thiết. Nếu cho phép học sinh được sử dụng, chúng tôi sợ rất khó kiểm soát, giống như “thả gà ra đuổi” – thầy Đông ví von.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác, do yêu cầu học trực tuyến phòng dịch bệnh, nhiều phụ huynh có con học phổ thông, đặc biệt là cấp THPT, đã mua smartphone cho con.
Tuy nhiên, các phụ huynh được hỏi ý kiến đều cho rằng, việc học sinh sử dụng điện thoại để truy cập Internet, tham gia mạng xã hội là rất phổ biến, bên cạnh những mặt tích cực có không ít mặt trái, tiêu cực.
“Phụ huynh lo ngại các em tuổi còn nhỏ, bản lĩnh chưa vững vàng nên dễ bị cái xấu, độc trên môi trường Internet, mạng xã hội lôi kéo, lại không có điều kiện gần gũi con thường xuyên nên sợ con hư”- cô Hoàng Yến - giáo viên THCS ở TP Vinh chia sẻ.
“Qua nắm bắt, chúng tôi thấy đa phần phụ huynh băn khoăn, lo lắng chứ không phải hồ hởi đón nhận quy định mới về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Vì vậy, các nhà trường, giáo viên đang hết sức cân nhắc và tính toán cẩn trọng khi triển khai quy định này” – cô Hoàng Yến nói.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao động