Giới trẻ

Hot girl Helly Tống ví sự tử tế như là... hơi thở

Từng được gọi là hot girl nhưng Helly Tống (Tống Khánh Linh) quan điểm, hot girl không chỉ là một cô gái đẹp. Cô cũng ví sự tử tế được hiểu đơn giản như chính hơi thở của mình: đó là nhận vào và cho đi.

Helly Tống (Tống Khánh Linh) là một người mẫu, một doanh nhân với hướng đi "khác người". Cô sáng lập và điều hành một dự án tổng hợp 4 yếu tố bao gồm: nông nghiệp xanh, mỹ phẩm organic, yoga và sách.

Hotgirl Helly Tống và thủ lĩnh Mai Ngọc Nhân là hai đại sứ trẻ cho Phong trào về "thế hệ tử tế" ở Việt Nam (Ảnh: Hoài Nam)

Mới đây, cô cùng với Mai Ngọc Nhân – Thủ lĩnh thanh niên 9X, Huy chương vàng giải Vật lý Đông Nam Á - được chọn là gương mặt đại sứ trẻ cho Phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design For Change (DFC) tại Việt Nam.

Cũng từng được gọi là hot girl, Helly Tống muốn gửi gắm đến với các bạn trẻ để hiểu hơn về từ Hot girl. Nó phải là một hình ảnh đẹp hơn, mang ý nghĩa tốt chứ không phải mang ý nghĩa tiêu cực. Khi mọi người gọi mình là hot girl, mang trên mình danh hiệu này thì mỗi người phải làm gì đó để trao đi chứ không chỉ là một cô gái có vẻ ngoài xinh đẹp.


Về sự tử tế, với Helly Tống, đơn giản như là hơi thở của mình. Khi thở ra mình muốn cho đi một điều gì đó thì khi mình hít vào, mình cũng muốn nhận những điều tốt đẹp. Và không ai muốn nhận điều xấu cả.

Helly Tống cho rằng thế hệ trẻ như cô gặp nhiều khó khăn trong việc sống tử tế bởi tác động của môi trường sống xung quanh và cả những áp lực, kỳ vọng từ gia đình.

Nhiều bạn trẻ không biết được mục đích, mục tiêu sống mà bị tác động bởi thước đo của xã hội, của trào lưu, gia đình. Cuốn tham vọng này thì rất ít người quan tâm đến sự tự tế.

Trước đây, cô đi du học ở Úc, mọi quyết định là do mẹ đặt ra. Nhưng rồi cô cảm nhận rõ những ngày trôi qua thật là đau khổ vì không hiểu sao mình lại học cái này, học cái này thì mình sống để làm gì.

Mọi quyết định về mình nhưng không phải của mình, việc đó chỉ để bố mẹ vui chứ không phải bản thân vui. Sau đó, cô đã trở về và theo đuổi những công việc mình yêu thích, chứng mình cho bố mẹ thấy lựa chọn của mình giúp mình hạnh phúc.

Cô đã bứt phá để lựa chọn nhưng cô biết quanh mình, nhiều người đồng trang lứa hoặc lớn hơn, nhỏ hơn không đủ can đảm để theo đuổi đam mê mà phải đi theo con đường của sự áp đặt từ bố mẹ, môi trường, xã hội.

"Tôi rất mong những người bố người mẹ khi đặt kỳ vọng lên hãy đặt câu hỏi: Con mình có hạnh phúc không? Và hạnh phúc của con mình là gì? Không phải cứ công việc nào nhiều tiền, công việc nào đó bố mẹ có thể tự hào với mọi người là giúp đứa trẻ hạnh phúc", cô gái trẻ 23 tuổi bộc bạch.

DFC là phong trào mà trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng quanh mình. Hiện DFC có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến hơn 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên trên toàn cầu.

Cô gái trẻ quan niệm Hot girl không chỉ là một cô gái đẹp mà phải mang những ý nghĩa tích cực hơn

Cô gái trẻ tự lựa chọn, quyết định theo đuổi đam mê, vượt qua những định kiến và áp đặt

Tác giả: Lê Đăng Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP