Tin trong tỉnh

Huyện Đô Lương - Nghệ An: Trục lợi từ dự án nạo vét lòng đập

Thời gian gần đây, PV Thời báo Doanh nhân liên tục nhận được phản ánh từ người dân ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) về việc đơn vị thi công dự án "Sửa chữa, Nâng cấp Đập Me, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương" không chỉ gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường dân sinh mà còn trục lợi từ dự án nạo vét lòng đập bằng cách “bán chui” đất cho các nhà máy gạch trên địa bàn.

Theo phản ánh, trong quá trình thực hiện Dự án, đơn vị thi công đã dùng nhiều xe có trọng tải lớn che đậy sơ sài vận chuyển đất từ Đập Me để đưa đi các nhà máy gạch trên địa bàn để tiêu thụ. Việc vận chuyển kéo dài nhiều tháng qua đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, tiếng ồn đi kèm với khói bụi đã khiến những hộ dân sống hai bên đường nơi hàng ngày hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ ra vào bị “hành hạ”.

Lưu lượng xe nhiều hoạt động với tần suất lớn đã khiến con đường phải oằn mình gánh chịu, việc sụt lún và nứt nẻ là không thể tránh khỏi.

Chị N, một người dân ở xóm 1, xã Mỹ Sơn bức xúc cho biết: “Suốt ngày phải cửa đóng then cài, bạt trùm kín cả ngày vì khói bụi, những hôm trời nắng mặc dù đơn vị thi công có tưới nước nhưng không ăn thua”. Không những thế, tuyến đường dân sinh từ Đập Me nối quốc lộ 15A đã bị biến dạng nghiêm trọng.

Ông Phan Văn C người dân sống cạnh đập Me cho hay: “Tuyến đường dân sinh này đã làm từ khá lâu, lại ít được đầu tư nâng cấp nay vì dự án này mà đường xấu nay càng xấu hơn”. Việc xe chở đất với khối lượng lớn cộng với việc che đậy sơ sài đã khiến tình trạng rơi vãi xẩy ra thường xuyên, khiến cho việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình triển khai Dự án đơn vị thi công là Công ty TNHH Hồng Vân đã lợi dụng danh nghĩa nạo vét để lấy đất đem bán cho các nhà máy gạch trên địa bàn để trục lợi bất chính. Mặc dù trong đề án nạo vét đã yêu cầu sau khi nạo vét, tất cả phần bùn, đất phải được đổ tại bãi thải số 01 xã Nhân Sơn (Xí nghiệp gạch Tuynel Đô Lương) và phải sử dụng xe vận chuyển đất đúng trọng tải đã được phê duyệt là xe 7 tấn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thì trong một thời gian dài, sau khi đất được chất đầy lên các thùng xe tải đã được vận chuyển về nhiều hướng khác nhau, nơi có những nhà máy gạch “khát đất” đang chờ. Trong đó phải kể đến là nhà máy gạch Thanh Ngọc (Xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) nhà máy gạch Đồng Tâm (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) và một phần còn lại được tập kết về nhà máy gạch Tuynel Đô Lương.

Đơn vị thi công đã phải huy động nhiều nhà xe vận tải khác nhau trên địa bàn để việc “tuồn đất” đi tiêu được thực hiện nhanh chóng. Trong đó phải kể đến như xe Bá á, xe Hoàng Anh, xe Cảnh Hoa, theo quan sát, rất nhiều nhà xe nói trên đã có hiện tượng cơi nới thành thùng, chở vượt thùng so với quy định.

Văn bản số 21/QLDA.KHKT của huyện Đô Lương gửi đi.

Trước phản ánh của người dân, ngày 25 tháng 2 năm 2019, UBND huyện Đô Lương đã có văn bản số 21/QLDA.KHKT gửi cho UBND xã Mỹ Sơn; Công ty TNHH Hồng Vân (đơn vị thi công); Công ty CP TMDV và XD TMT (đơn vị tư vấn giám sát) nêu rõ: "Ngày 22/2/2019 Đoàn kiểm tra do Đồng chí phó chủ tịch huyện Nguyễn Trung Thành chủ trì cùng các phòng ngành của UBND huyện và BQL Dự án ĐTXD huyện Đô Lương qua kiểm tra quá trình thực hiện Dự án đã phát hiện nhiều tồn tại" và yêu cầu khẩn trương khắc phục.

Nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục triệt để; Xe vận chuyển đất ra bãi thải vượt quá trọng tải quy định; Một số xe vận chuyển đất thải của nhà thầu thi công chưa đổ thải đúng vị trí đã được phê duyệt. Mặc dù UBND huyện đã có những phát hiện và đã kịp thời có văn bản chấn chỉnh thế nhưng vào ngày 13/3/2019, khi trao đổi với ông Đặng Văn Tú, chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn thì được biết: “Xã đã giao trách nhiệm cho đơn vị thi công, nếu bị phát hiện vận chuyển đất không tập kết theo đề án phê duyệt thì các anh phải chịu trách nhiệm, còn chúng tôi chưa nghe phản ánh việc đơn vị thi công đem đất đổ cho các nhà máy gạch khác. Việc này để tôi cho kiểm tra lại”.

Ông Tú cũng nhấn mạnh, đến khi thanh quyết toán chúng tôi sẽ căn cứ vào khối lượng đất thải được đổ tại bãi thải để thanh toán. Trên thực tế, bãi thải mà chủ đầu tư phê duyệt lại là điểm tập kết nguyên liệu của nhà máy gạch tuynel Đô Lương. Và trong quá trình sản xuất nhà máy gạch này lại sử dụng phần đất thải được chở đến đây tập kết để sản xuất gạch. Như vậy, theo lời ông chủ tịch xã Mỹ Sơn đến khi đến bãi thải để đo đếm khối lượng thì sẽ không biết tính toán như thế nào?

Trong lúc chờ chủ đầu tư là UBND xã Mỹ Sơn kiểm tra, thì hàng ngàn khối đất đã được vận chuyển đến nhiều điểm khác nhau để tiêu thụ, còn Dự án thì thi công một cách tùy tiện. Còn ông Phùng Thành Vinh – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Tôi đã chỉ đạo Công an huyện cùng đoàn liên ngành cho kiểm tra và rà soát lại”. Với sự buông lỏng quản lí của đơn vị chủ đầu tư, cùng với việc thiếu kiểm tra giám sát của các ngành chức năng huyện Đô Lương đã và đang tạo ra kẻ hở cho đơn vị thi công trục lợi bất chính. Đề nghị chính quyền huyện Đô Lương sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng nói trên.

Tác giả: Thành Văn

Nguồn tin: Thời Báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP