Trong những nhân chứng trên phải kể đến trường hợp hộ ông Võ Văn Hoan (trú tại xóm bệnh viện xã Nghi Thịnh). Ông Hoan kể, bố mẹ ông trước đây ở xóm 6, xã Nghi Thịnh. Năm 1977, lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc và xã Nghi Thịnh đến tận nhà vận động bố mẹ ông Hoan chuyển đổi đất gia đình đang sinh sống cho HTX để xã xây dựng cánh đồng “5 tấn”. Bố mẹ ông Hoan vui vẻ, giao 5 sào ruộng cho HTX di dời nhà cửa đến sinh sống tại xóm Bệnh viện sát đường liên hương (nay là Quốc lộ 48E) và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Trước khi nâng cấp đường liên hương, lúc đó ông Nguyễn Tiến Dũng là Phó Chủ tịch xã Nghi Thịnh (nay là Chủ tịch huyện Nghi Lộc-PV) cùng cán bộ địa chính đến vận động và nói với tôi rằng, sau này có kinh phí thì huyện, xã sẽ hỗ trợ việc đền bù, còn cán bộ địa chính xã thì ký vào giấy xác nhận, tôi đang lưu giữ… vị này nay đã 90 tuổi. Tôi chấp hành để ban giải phóng mặt bằng giải tỏa. Hiện tại khu vực bị giải tỏa vẫn còn hàng cây, giếng nước. Thế nhưng, ngày nay ban bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 48E đến đo bảo phần đất trên không thuộc diện được đưa vào diện đền bù vì đường nằm trong hành lang ATGT. Trong khi gia đình chung hàng rào với nhà tôi chỉ duy nhất có hơn chục mét mái tôn trước đây không giải tỏa nhưng lại được đền bù hàng trăm triệu đồng. Vô lý” - ông Võ Văn Hoan nói.
Đất vườn của ông Võ Văn Hoan, trú tại xóm bệnh viện (Nghi Lộc) sau khi chấp hành giải tỏa hành lang ATGT, vẫn còn giếng nước và hàng cây, nhưng không được đền bù. |
Một hàng xóm sát hàng rào gia đình ông Hoan chỉ có mái tôn, không giải tỏa hành lang ATGT nhưng lại được đền bù hàng trăm triệu đồng. |
Điều khó hiểu là gia đình chị Võ Thị Thủy (trú tại xóm 15) xã Nghi Thịnh được UBND xã và HTX nông nghiệp cấp đất năm 1984, được cấp bìa đỏ đàng hoàng. Khi cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 48E về đo lần đầu bảo gia đình chị Thủy được hỗ trợ tiền đất bị thu hồi và tài sản trên đất tổng số tiền 16 triệu 8 trăm nghìn đồng, sau đó lại thay đổi. “Hôm sau họ đến lật lọng, nói nhà tôi mới đến đây xây ở năm 2005 nên không được đền bù tiền đất. Khi Bí thư xã và các đoàn thể địa phương xác nhận gia đình tôi về đây ở từ năm 1984, lúc này Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng mới nhất trí đền bù, nhưng chỉ bồi thường tài sản trên đất, tổng số tiền hơn 9 triệu đồng, còn hơn 120m2 bị thu hồi, lãnh đạo huyện không đền bù, lý do đất nằm trong khuôn viên hàng rào thuộc hành lang ATGT. Thực tế đất gia đình tôi không xây hàng rào như UBND huyện trả lời”, chị Thủy nói.
Trái ngược với gia đình chị Thủy là trường hợp ông Đào, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Thịnh được cấp bìa đỏ theo Nghị định 64 ngày 27/9/1993, nhưng được đền bù cả đất và tài sản trên đất. Trả lời thắc mắc của phóng viên, Tổ trưởng Tổ bồi thường giải phóng mặt bằng ông Phùng Ngọc Tú, bao biện: “Phần diện tích đất được đền bù của ông Đào có khuôn viên rõ ràng, chưa được giải tỏa hành lang ATGT qua các thời kỳ, bản đồ địa chính đo đạc xác định là đất của gia đình; đối chiếu căn cứ quy định, ông Đào đủ điều kiện bồi thường”.
Vậy, đất hộ nào chả có khuôn viên rõ ràng và đất các hộ dân khác không xác định là chủ hộ hay sao… hơn nữa chưa được giải tỏa hành lang ATGT thì được bồi thường cả đất và tài sản trên đất. Dư luận cho rằng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng đền bù theo cảm tính, thiếu công bằng, không minh bạch, khiến dân bức xúc là có cơ sở. Hỏi về người chấp hành giải tỏa hành lang ATGT thì không được đền bù, kẻ không chấp hành giải tỏa lại được đền bù tiền đất và tài sản trên đất thì vị này trả lời chung chung (!?)
Sau nhiều ngày chờ đợi, tại trụ sở HĐND xã Nghi Thinh, tổ công tác Thanh tra huyện Nghi Lộc lại làm việc với hàng chục hộ gia đình sau khi nhận đơn khiếu kiện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng không đền bù tiền đất ngoài hàng rào bị thu hồi. Các hộ dân cho rằng lãnh đạo huyện áp dụng dự án Semla để lấy đất của dân mà không được bồi thường là trái quy định, chưa áp dụng các điều khoản bảo vệ lợi ích hợp pháp cho dân, đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng nghiên cứu hỗ trợ dân.
Trình bày trước hàng chục người dân xã Nghi Thịnh, vị cán bộ trong tổ Thanh tra huyện Nghi Lộc thông báo, những hộ dân nào có chung một kiến nghị đền bù đất ngoài hàng rào thì ký chung vào một danh sách để Thanh tra huyện phối hợp các phòng, ngành cấp huyện và UBND xã Nghi Thịnh tiếp tục tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường xin ý kiến chỉ đạo, sau đó trả lời trực tiếp tại các hộ dân. Những hộ nào kiến nghị hai nội dung (đất trong bìa đỏ bị thu hồi và đất ngoài hàng rào như trường hợp thầy Võ Kỳ Anh) thì ghi theo mẫu đã in sẵn và nộp lại cho Thanh tra huyện trước ngày 24/01/2019.
Trước khi ký vào biên bản kiến nghị tập thể, ông Võ Văn Hoan, công dân xóm Bệnh viện cho rằng: “Gia đình tôi có ba liệt sỹ hy sinh trong chống Mỹ, mẹ đẻ được phong tặng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Lúc chiến tranh, gia đình đâu tiếc xương máu, sẵn sàng cống hiến hy sinh vì nền độc lập, tự do đất nước. Ngày nay việc mở đường, chúng tôi sẵn sàng cống hiến, nhưng huyện phải nói với dân một lời cho tử tế, hơn nữa việc đền bù phải công bằng, công tâm, đúng quy định Luật Đất đai 2013… Chúng tôi không đề nghị được bồi thường nhiều, chỉ cần năm mươi phần trăm…”.
Kết thúc buổi làm việc vị cán bộ đoàn Thanh tra huyện chốt câu nói trước khi ra về: “Xin lỗi các bác, cháu là bậc con bậc cháu của các cô chú, các bác ngồi đây, nhưng cháu là người có học. Cháu sẽ có trách nhiệm với các bác trong vấn đề này…”.
Lời hứa của vị cán bộ như lời “tuyên thệ” trước công chúng, nhân dân rất tin tưởng và phấn khởi. Tuy nhiên, người dân chỉ mong lời hứa trên sớm trở thành hiện thực, đừng cho dân thêm một lần ăn thịt “lừa” như các quan huyện đã lặp đi lặp lại trước đó.
Tác giả: Hữu Trọng
Nguồn tin: lsvn.vn