Ðiểm chuẩn năm nay sẽ tăng ở những ngành “hot” Ảnh: Như Ý |
Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được đánh giá dễ hơn những năm trước. Các trường đại học (ĐH) đã dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển bằng các phương thức khác ngoài lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là hai trong số nhiều nguyên nhân để các trường ĐH dự đoán điểm chuẩn tuyển sinh ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp năm nay tăng từ 1-3 điểm.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, khả năng điểm chuẩn vào trường năm 2020 sẽ tăng nhẹ, khoảng 1-2 điểm. Theo ông, điểm chuẩn vào các trường ĐH khác sẽ tăng nhẹ bởi 2 lý do. Thứ nhất, năm nay, phổ điểm thi được dự đoán cao hơn. Thứ hai, các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu vào trường cũng sẽ chia ra cho các phương thức xét tuyển này. Do đó, chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi và ngược lại, điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển điểm thi sẽ tăng lên.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, dự báo điểm sàn (điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển) với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay của trường sẽ từ 20-26 điểm/3 môn. Trong đó, điểm sàn ngành Robot và trí tuệ nhân tạo dự kiến 26 điểm, tăng 0,8 điểm so với điểm chuẩn năm 2019.
Với nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Sư phạm tiếng Anh, ông Dũng dự kiến điểm sàn là 23,5 điểm. Điểm sàn dự kiến của các ngành còn lại cũng đều từ 20 điểm trở lên. So với điểm chuẩn năm 2019 dao động từ 17-25,2 điểm, mức điểm sàn dự kiến chênh lệch lớn nhất tới khoảng 3 điểm. Điểm chuẩn vào trường ít nhất bằng mức điểm sàn, có thể cao hơn.
Trao đổi thêm với phóng viên Tiền Phong, PGS. Đỗ Văn Dũng cho biết, khi có đáp án, thí sinh đã dự báo được điểm thi. Những ngày qua, ông Dũng tham gia công tác tư vấn trực tiếp cho khoảng 500 thí sinh tại một số tỉnh. Ông nói: “Theo kết quả khảo sát bằng phiếu của trường, có tới 90% số em tham gia tư vấn đạt trên 24 điểm. Vì vậy, với những trường tốp trên, nếu lấy điểm sàn quá thấp sẽ rất thiệt cho thí sinh. Các em dự đoán đạt điểm cao trong khi điểm sàn của trường thấp sẽ dẫn đến tưởng bở. Nhiều thí sinh sẽ rớt oan”.
Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhìn nhận, ngoại trừ các nhóm ngành đặc thù như công an, quân đội, sức khỏe, sư phạm, điểm chuẩn xét điểm thi của các trường sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở các ngành nhiều thí sinh quan tâm như Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Kinh doanh quốc tế... Với những ngành này, điểm chuẩn có thể dao động từ 20-25 điểm. Riêng tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, điểm chuẩn các ngành “hot”, tốp trên có thể 22-23 điểm, nhóm ngành thấp nhất sẽ trong khoảng 17-18 điểm.
COVID-19 sẽ tác động điểm chuẩn một số ngành
PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói rằng, điểm chuẩn năm nay dự kiến tăng ở một số ngành tập trung số lượng lớn thí sinh đăng ký và có truyền thống điểm chuẩn cao từ những năm trước như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu.
Ông Kiên cho hay, ngành Khoa học dữ liệu dù năm 2019 mới bắt đầu tuyển sinh nhưng tỷ lệ “chọi” rất cao. Vì vậy, điểm chuẩn những ngành này năm trước đều thuộc tốp 1 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo - 27 điểm, Khoa học máy tính - 27,42 điểm, Kỹ thuật máy tính - 26,85 điểm).
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng, điểm chuẩn năm nay vào trường sẽ tăng, vì đề thi không khó bằng những năm trước. Tuy nhiên, với những trường tốp đầu đã lấy điểm chuẩn ở mức gần như “kịch sàn” như Trường ĐH Y Hà Nội thì điểm chuẩn chỉ tăng nhẹ.
PGS. Trần Trung Kiên nhận định, năm nay có thể không xảy ra tình trạng “mưa điểm 10” như năm 2017, nhưng phổ điểm 8-9 sẽ nhiều. Vì vậy, điểm chuẩn những ngành học năm trước từ 24 điểm đến dưới 27 điểm sẽ tăng đáng kể trong năm nay, còn những ngành trên 27 điểm sẽ tăng không nhiều.
Một vấn đề khác liên quan tuyển sinh mà thí sinh quan tâm là năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh Việt Nam không có cơ hội đi du học, nên sẽ lựa chọn học trong nước. GS. Nguyễn Hữu Tú cho rằng, những ngành được thí sinh dự định đi du học nhưng rồi lựa chọn để học trong nước chủ yếu là ngành kinh tế và khoa học, kỹ thuật.
PGS. Bùi Đức Triệu nói rằng, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng đáng kể, một phần là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh không đi du học được phải chọn học trong nước.
Trường ÐH Bách khoa (ÐH Quốc gia TPHCM) dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ tăng. Năm 2019, ngành có điểm chuẩn cao nhất trường là Khoa học máy tính (25,75 điểm), trong khi năm ngành có điểm chuẩn thấp nhất (18 điểm) thuộc hệ chất lượng cao, chương trình tiên tiến và đào tạo ở Phân hiệu Bến Tre.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong