Thế giới

Israel chỉ còn cách diệt S-300 ở Syria nếu không muốn "thua toàn diện"?

Có giả thuyết cho rằng nếu không tấn công S-300 để ngăn hệ thống này được triển khai ở Syria, Israel gần như sẽ nắm chắc phần thua trong một cuộc chiến toàn diện nổ ra với Iran.

S-300 đến Syria sẽ đảo ngược sự cân bằng khu vực.

S-300 bẻ gãy gọng kìm tấn công của Israel

Nga dự kiến ​​sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tinh vi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong thời gian rất sớm, tờ Kommersant dẫn lời các quan chức Nga nói vào tuần trước.

Thông tin này đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman, người đã tuyên bố Israel sẽ tấn công hệ thống nếu nó được sử dụng chống lại các máy bay chiến đấu của Israel hoặc các máy bay khác.

Việc chuyển giao hệ thống S-300 có thể đặt Israel vào một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga, quốc gia vốn đang có quan hệ nồng ấm với Tel Aviv trong thời gian gần đây.

Các quan chức Nga đã phản ứng với tuyên bố ​​của ông Liberman bằng cách cảnh báo Israel sẽ nhận lại "hậu quả thảm khốc" nếu họ dám hành động chống lại S-300.

Trên thực tế, hệ thống phòng không này đã được sử dụng ở Syria trong nhiều năm nhưng luôn do người Nga kiểm soát, thay vì người Syria hay người Iran.

S-300 có thể theo dõi tối đa 100 mục tiêu và bắn hạ 12 mục tiêu cùng một lúc. Hệ thống này có tầm bắn khoảng 200km và có thể nhắm các mục tiêu bay trên độ cao lên đến 27.000m.

Việc triển khai hệ thống sẽ giúp cho Syria có khả năng bắn hạ các máy bay khởi hành hoặc hạ cánh tại sân bay Ben Gurion và tại căn cứ Không quân Israel (IAF) gần Nes Tziona.

Chuyên gia phân tích quân sự Trung Đông Jennifer Dyer cho biết hệ thống chống máy bay S-300 của chính quyền Assad thậm chí sẽ có thể tiếp cận các máy bay bay trên vùng sa mạc Negev phía Bắc.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Arutz Sheva, chuyên gia Dyer đã cảnh báo: "S-300 sẽ tạo ra những tình huống khó lường cho Israel nếu được triển khai bởi Syria".

"Các cuộc tấn công ở Syria mà IAF đã thực hiện trong vài năm qua, chống lại các mục tiêu của Hezbollah và các mục tiêu vũ khí đặc biệt của Iran sẽ gần như không thể thực hiện được tiếp", chuyên gia này nói.

Theo đó, Israel sẽ mất khả năng để ngăn chặn quá trình chuẩn bị của đối thủ trước khi Iran và Syria có thể tiến hành một cuộc chiến toàn diện.

"Không chỉ là một hệ thống di động và vượt trội hơn về mọi khả năng tác chiến so với các vũ khí mà Syria đang có, tên lửa của S-300 có thể nhắm vào máy bay của IAF ngoài vùng trời Syria, bao gồm không phận Lebanon và phần lớn không phận Israel ở vùng phía Bắc Negev”.

Israel thường xuyên sử dụng không phận Lebanon để triển khai các đợt tấn công trên không nhằm vào các mục tiêu liên quan đến Iran ở Syria.

"Các cuộc tấn công chính xác của IAF với hỏa lực mạnh sẽ trở nên khó khăn hơn, hoặc thậm chí không thể vì phạm bị bó hẹp", theo chuyên gia người Mỹ.

Israel làm gì trước S-300?

F-35 sẽ là con bài chủ lực của Israel.

Theo tờ Arutz Sheva, IAF đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản đối đầu với S-300 từ lâu, khi đã thực hiện các bài tập ứng phó với phiên bản S-300 của Hy Lạp, một hệ thống cũ hơn so với hệ thống mà Nga dự định giao cho Syria.

Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt lý thuyết, còn trên thực tế, khả năng chiếm ưu thế của Israel khi một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra sẽ giảm đáng kể nếu S-300 được phép đi hoạt động ở Syria.

Do đó, Israel chỉ còn cách là không cho phép S-300 đi vào hoạt động ngay từ lúc này - chuyên gia Dyer nhận định - đồng thời khuyên IAF nên tập trung tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của hệ thống.

“Nếu không có các bệ phóng, tên lửa sẽ vô dụng. Có nhiều cách để tấn công các bệ phóng khi chúng đang trên đường di chuyển hoặc được cất giữ trước khi triển khai”, chuyên gia Dyer nêu quan điểm.

Ngoài ra, "lực lượng của Israel có thể tấn công các phương tiện chỉ huy của S-300 như xe chỉ huy, xe điều khiển, xe radar bằng cách sử dụng tên lửa hành trình", chuyên gia vũ khí người Mỹ nói với Arutz Sheva.

“Để bảo vệ các máy bay chiến đấu như F-15, F-16, F-35 trong nhiệm vụ cốt lõi này, IAF cần triển khai thêm các máy bay tác chiến điện tử hộ tống để tiêu diệt radar S-300 và vô hiệu hóa lá chắn điện tử của toàn bộ hệ thống phòng không ở Syria”, chuyên gia này cho biết thêm.

Bản thân các phi công IAF sẽ phải được huấn luyện về các bài tập "né" tầm kiểm soát của S-300 và sử dụng các hệ thống phòng thủ làm "nhiễu" tên lửa S-300.

Trong đó máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ là con bài không thể thiếu trong chiến dịch của IAF, khi chiến đấu cơ này được đánh giá là có khả năng hoạt động an toàn bên trong một khu vực được S-300 và những biến thể của nó bảo vệ.

Ngược lại, nếu không hành động ngay từ bây giờ và cho phép S-300 hoạt động ở Syria, IAF từ nay sẽ cần thêm nhiều máy bay chiến đấu và tăng thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn mỗi khi muốn triển khai tấn công các mục tiêu của mình.

"Nếu S-300 đi vào hoạt động, không còn cách nào khác dành cho Israel ngoài việc tăng cường quy mô và cường độ tấn công”, Dyer kết luận.

Cùng với đó, các chuyên gia khác cho rằng Israel nên phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mới để dung hòa mối đe dọa đối với các máy bay của mình đến từ hệ thống S-300 của Syria.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: S-300 , Israel , Syria , tấn công

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP