Thế giới

Israel có thể không chịu khoanh tay trước tên lửa S-300 Syria

Israel có đủ kinh nghiệm và khí tài để duy trì không kích ở Syria, ngay cả khi Nga chuyển giao tên lửa S-300 cho đồng minh.

Tiêm kích F-35I đầu tiên trong biên chế Israel hồi đầu năm nay. Ảnh: IAF.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua cho biết Moskva sẽ bàn giao các hệ thống phòng không tầm xa S-300 cho Damascus, cũng như triển khai các hệ thống gây nhiễu radar và định vị vệ tinh để phản ứng trước vai trò của Israel trong vụ trinh sát cơ Il-20 bị bắn hạ.

Sự hiện diện của các tổ hợp S-300 trong biên chế phòng không Syria được coi là mối đe dọa lớn đối với tiêm kích Israel tiến hành các cuộc không kích ở nước này. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng không quân Israel sẽ không dễ dàng chịu khuất phục và đã lên sẵn các phương án đối phó với S-300, theo Drive.

Đây không phải lần đầu tiên Nga tuyên bố chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria. Các quan chức Nga từng đề cập khả năng nối lại hợp đồng bán 6 tổ hợp S-300 cho Syria sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp hôm 14/4.

Israel lúc đó đã phản đối quyết liệt động thái này của Nga và Moskva được cho là đã nhượng bộ Tel Aviv khi tuyên bố rằng lực lượng phòng không Syria đã sở hữu đủ khí tài hiện đại.

Chuyên gia quân sự Joseph Trevithick cho rằng sự phản đối quyết liệt này của Israel chứng tỏ họ hiểu rõ mối nguy hiểm mà S-300 có thể gây ra cho các chiến đấu cơ của mình hoạt động trên không phận Syria và chắc chắn đã tính đến các phương án đối phó.

Khi đó, các tướng quân đội Israel cũng đã tuyên bố rằng nếu Syria sở hữu S-300, họ sẽ tăng cường sử dụng các khí tài công nghệ cao như tên lửa thông minh, máy bay không người lái để tiếp tục các cuộc không kích trên lãnh thổ nước này.

Hiện chưa rõ Nga dự tính bàn giao bao nhiêu tổ hợp S-300 cho Syria, cũng như khu vực triển khai các vũ khí này. Tuy nhiên, Trevithick nhận định Israel vẫn có khả năng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria vì nhiều lý do.

Tel Aviv từng có kinh nghiệm đối phó hệ thống S-300. Trong cuộc tập trận Blue Flag 2017 diễn ra ngày 6/10/2017 tại Israel, phi công tiêm kích F-16I của nước này đã đối đầu với hệ thống phòng không S-300PMU-1 của Hy Lạp, thành viên NATO duy nhất sở hữu tên lửa S-300 do Nga sản xuất. Cuộc tập trận này dường như đã giúp Israel chuẩn bị kịch bản đối phó với các hệ thống S-300 hiện đại hơn trong biên chế Iran.

Xe phóng đạn của tổ hợp S-300 Hy Lạp sau đợt bắn đạn thật năm 2013. Ảnh: Wikipedia.

Mục tiêu chiến lược của Israel tại Syria là ngăn cản sự hiện diện quân sự của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah do nước này hậu thuẫn. Việc Tehran chuyển vũ khí cho Hezbollah bị Tel Aviv coi là mối đe dọa hiện hữu đến an ninh quốc gia của mình. Vụ tên lửa phòng không S-200 Syria bắn rơi tiêm kích F-16I hồi tháng 2 năm nay cũng không khiến Israel giảm cường độ tác chiến.

Không quân Israel đang sở hữu phi đội 12 tiêm kích tàng hình F-35I Adir đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ có độ rủi ro cao khi cần. Chúng đóng vai trò là lực lượng răn đe chiến lược, sẵn sàng cho kịch bản tấn công các mục tiêu được phòng thủ chặt chẽ bởi hệ thống phòng không hiện đại như S-300.

Tel Aviv cũng có trong tay một loạt vũ khí tầm xa và năng lực tác chiến mạng, cùng hệ thống tác chiến điện tử tối tân. Việc các đợt không kích thường xuyên nhắm tới mạng lưới phòng không Syria là dấu hiệu cho thấy Israel có thể phá hủy cả S-300 nếu cần thiết. Điều này có thể buộc Nga liên tục cung cấp hệ thống thay thế cho Syria hoặc ra mặt đối đầu trực diện với Israel, gây nguy cơ leo thang căng thẳng.

"Nhiều khả năng Nga có thể cho Syria mượn một vài hệ thống S-300 và công bố chi tiết khu vực triển khai, sau đó rút chúng về khi mối đe dọa đã giảm xuống để thúc đẩy ổn định khu vực. Điều này cho phép Nga và Israel kiểm soát tình hình, hạn chế tối đa nguy cơ xung đột gây thiệt hại cho cả hai bên", chuyên gia Trevithick nhận định.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP