Nhân tố bí ẩn thách thức ông Trump tái đắc cử
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kamala Harris đã tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống năm 2020 khi bà tham gia chương trình "Good Morning America" của kênh ABC.
"Hãy làm điều này cùng nhau. Vì chúng ta, vì con em chúng ta và vì đất nước chúng ta", bà Harris khẳng định mạnh mẽ trong tuyên bố tranh cử.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang California Kamala Harris trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh cử Tổng thống năm 2020. Ảnh: AP. |
Kamala Harris là con gái một cặp vợ chồng nhập cư đến từ Ấn Độ và Jamaica. Bà bắt đầu sự nghiệp với vai trò là phó luật sư hạt Alameda, California, trước khi trở thành luật sư quận San Francisco. Năm 2010, luật sư Kamala Harris đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa với kết quả sít sao để trở thành Tổng chưởng lý California. 6 năm sau, bà được bầu vào Thượng viện và trở thành người phụ nữ da màu thứ 2 từng đảm nhiệm vị trí này tại đây. Kamala Harris cũng là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2020.
Theo nhận định của tờ Independent, sự tham gia của Thượng nghị sĩ 54 tuổi bang California trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang khiến khả năng tái đắc cử của ông Trump rơi vào "vòng xoáy tử thần" bởi bà Kamala Harris có mọi thứ mà ông Trump không có.
Bất kể giới tính, sắc tộc, tuổi tác hay tư tưởng, bà Harris đều đại diện cho những điều hoàn toàn đối lập với Tổng thống Trump. Nói theo một cách nào đó thì người phụ nữ gốc Phi này còn được coi là "Obama phiên bản nữ".
Thậm chí, ngay trong chính đảng của mình, bà Harris cũng cho thấy những tiềm năng nổi trội so với các ứng viên khác như cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - những người được cho là sẽ sớm đưa ra tuyên bố tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Không chỉ trẻ tuổi hơn, Thượng nghị sĩ Harris còn có khả năng kết nối với những người trẻ trong đảng và đại diện cho sự năng động, mới mẻ. Một phân tích gần đây cho thấy bà Harris chỉ đứng sau nghị sĩ Quốc hội Alexandria Ocasio-Cortez trong số các nghị sĩ đảng Dân chủ có nhiều tương tác nhất trên mạng xã hội.
Những video của bà Harris khi đặt câu hỏi về ông Brett Kavanaugh - lựa chọn gây tranh cãi của Tổng thống Trump cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã được chia sẻ rộng rãi và trở nên phổ biến. Và mặc dù mới chỉ được bầu vào Thượng viện năm 2016, việc chưa nhiều kinh nghiệm dường như không phải là vấn đề khiến Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kamala Harris gặp bất lợi hơn so với các đối thủ của bà.
Sự chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020
Khi thông báo tranh cử Tổng thống, bà Harris đã có được một trong những sự ủng hộ lớn khi xuất hiện trên chương trình "Good Morning America" của ABC- dấu hiệu cho thấy kênh truyền hình này hiểu bà đang là một ứng viên tiềm năng.
Ngoài việc thông báo trực tiếp trên truyền hình về quyết định tranh cử, bà Harris còn đưa ra giải pháp với những lo ngại về an ninh quốc gia mà các cử tri đảng Dân chủ đang quan tâm. Bà nhấn mạnh về vai trò bản thân với tư cách là một công tố viên trong 20 năm qua, cũng như cam kết sẽ "duy trì một nước Mỹ an toàn". Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cũng khẳng định nếu thay thế vị trí của ông Trump, bà sẽ "khôi phục thẩm quyền đạo đức của Mỹ trên thế giới", hợp tác với các đồng minh mà ông Trump từng "lạnh nhạt".
Trên hết, bà Malaka Harris cam kết sẽ "đứng lên và đấu tranh” – một thông điệp mà các cử tri đảng Dân chủ muốn nghe nhất.
Tính cách mạnh mẽ, ý chí thành công và khả năng tranh đấu khiến bà Harris trở thành một ứng viên nổi bật so với các đối thủ của mình. Câu hỏi duy nhất đặt ra cho bà hiện nay là liệu bà có thể thu hút đám đông và tạo ra tinh thần sôi nổi như những gì Thượng nghị sĩ Sanders đã làm được trong cuộc cạnh tranh sơ bộ của đảng Dân chủ cho vị trí ứng viên chính thức 2016 hay không? Với những gì có được cho tới nay, bà Harris gần như chắc chắn có thể làm được. Người phụ nữ này có một thông điệp rõ ràng, những phẩm chất nổi trội trong công việc và là một nhân tố bí ẩn - một yêu cầu mà bà Hilary Clinton không đáp ứng được trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Dù vậy, bà Harris cũng phải đối mặt với một số thách thức về hồ sơ cá nhân khi bà còn là một luật sư ở California. Bà Harris tự khắc họa bản thân là một "công tố viên tiến bộ" nhưng không lâu trước khi thông báo chạy đua vào Nhà Trắng, bà đã bị một giáo sư luật trường Đại học San Francisco chỉ trích trên tờ New York Times rằng đã "bao che cho những hành vi sai trái".
Các cố vấn của bà Harris đều khẳng định hồ sơ của bà là trong sạch và họ sẽ có các hành động bảo vệ trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Từ bê bối email của bà Clinton tới những vụ lùm xùm xoay quanh ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 đã cho thấy những vấn đề cá nhân hoàn toàn có thể trở thành "điểm yếu" của một ứng viên để các đối thủ khác có thể vin vào công kích.
Tuy nhiên, dù sao thì sự năng động, sức lôi cuốn, những phẩm chất nổi trội trong cuộc tranh cử, khả năng thu hút đám đông và việc không vướng vào các bê bối đã khiến bà Kamala Harris trở thành ứng viên mơ ước của đảng Dân chủ./.
Tác giả: Kiều Anh
Nguồn tin: Báo VOV