Tin trong tỉnh

Kênh Nhà Lê - Huyền thoại hơn nghìn năm tuổi

Kênh Nhà Lê được đào từ năm 983, qua nhiều triều đại được nối dài, tạo thành một tuyến đường thủy dài gần 500km...

Kênh Nhà Lê hòa vào dòng sông Cấm bên Quốc lộ 1A.

Kênh Nhà Lê được đào từ năm 983, qua nhiều triều đại được nối dài, tạo thành một tuyến đường thủy dài gần 500km, kết nối Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh và ghi dấu những kỳ tích hào hùng của dân tộc.

Con đường nam chinh

Người khởi xướng cho công trình vĩ đại này là vua Lê Đại Hành (941 - 1005), nhằm mục đích vận tải quân lương, phục vụ cho hành trình mở rộng lãnh thổ nước Đại Cồ Việt về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mùa Xuân năm Quý Mùi (983), trong cuộc tiến đánh Chiêm Thành, vua Lê Đại Hành nhận thấy đoạn đường từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (Thanh Hóa) vô cùng hiểm trở, khiến người và ngựa mệt mỏi, gây tổn phí và làm hao tổn sức quân.

Vậy nên, sau chiến thắng Chiêm Thành trở về kinh đô Hoa Lư, vua Lê Đại Hành nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong chiến tranh nên cho đào, nạo vét các con kênh nhằm nối các dòng sông tự nhiên như Hoàng Mai, Thơi, Hàu, Bùng, Cấm, Lam... thành một hệ thống đường thủy thông suốt từ phía Bắc cho đến phía Nam của Nghệ An. Tàu thuyền từ các bến cảng của Nghệ An như Cửa Cờn đến Cửa Hội bắt đầu lưu thông ra được Thanh Hóa và kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Trong vòng 26 năm trị vì, vua Lê Đại Hành đặc biệt quan tâm đến vùng đất biên giới phía Nam. Ông tiến hành 6 hoạt động quân sự lớn không chỉ nhằm bảo vệ biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình “Nam tiến” mở rộng lãnh thổ của quốc gia về sau.

Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh trong cuốn Kênh Nhà Lê - Lịch sử và huyền thoại cho biết, kênh Nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng thời gian với đoạn kênh Nhà Lê tại Thanh Hóa. Trong quá trình đào kênh Nhà Lê, đoạn kênh Sắt (Nghệ An) là kỳ công, gian nan, vất vả nhất. Các thế hệ ông cha phải mất đến hơn 800 năm, đoạn kênh này mới được khơi thông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn kênh này được khởi đào từ năm 1003 do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ đạo. Tuy nhiên, khi đào đến Truông Sắt thì gặp khó khăn vì đây là vùng núi, lại có các mỏ sắt, đá rắn bên dưới nên rất khó đào.

Các triều đại về sau cũng cố công đào tiếp đoạn kênh Sắt nhưng vẫn không thành công. Đến triều Nguyễn, dưới thời vua Tự Đức (1829 - 1883), trong dân gian lan truyền bài vè “Đi phu đào kênh Sắt” để diễn tả nỗi khổ cực khi bị triều đình huy động đi đào kênh.

Khi danh tướng Hoàng Tá Viêm (1820 - 1909) nhậm chức Tổng đốc Nghệ An, ông viết thư mời Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) ra giúp đào kênh Sắt. Bằng kiến thức khoa học, địa chất uyên bác, Nguyễn Trường Tộ cho cắm mốc, chỉ phương pháp đào để tránh những nơi có đá, quặng rắn... Sau khoảng 1 tháng đào theo hướng dẫn của Nguyễn Trường Tộ thì kênh Sắt được khơi thông.

Đền Ông Hoàng Mười hướng mặt ra kênh Nhà Lê.

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kênh Nhà Lê được ví như “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông, trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Từ đầu năm 1965, Mỹ tiến hành phá hoại những mục tiêu trọng điểm như TP Vinh, Nghi Lộc, Đô Lương (những địa phương cũ của Nghệ An). Trên mặt trận giao thông vận tải, máy bay ném bom tập kích ồ ạt vào các mục tiêu quan trọng dọc tuyến kênh Nhà Lê ở Nghệ An từ cầu Đước đến khe Son, nhiều địa điểm bị đánh phá ác liệt…

Từ năm 1965 - 1968, không quân Mỹ ném hơn 700.000 tấn bom vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế và khu dân cư. Mặc dù vậy, tuyến đường thủy kênh Nhà Lê vẫn hoạt động ngày đêm, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, xăng dầu, vật tư cho nhu cầu của cuộc kháng chiến và sản xuất đời sống.

Ngày 21 và 22/4/1966, máy bay địch bắn phá liên tục giữa đoạn kênh Than và Lạch Vạn (nối Nghệ An và Thanh Hóa), trút hàng nghìn tấn bom xuống khu vực này làm cản trở việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Hậu quả là 53 thuyền gỗ, 200 thuyền nan bị hư hỏng, mắc kẹt hoặc chìm đắm; 453 tấn hàng hóa bị thiệt hại; 13 thủy thủ hy sinh và 118 người dân thương vong.

Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Địch phá ta cứ đi”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Máu có thể đổ, nhưng luồng không thể tắc”, những chiến sĩ, thủy thủ, dân quân giữ vững tinh thần và ý chí kiên cường, chiến đấu với mưa bom bão đạn của kẻ thù để tuyến đường thủy huyết mạch này luôn được thông suốt.

Ngày 27/12/1967, khi lực lượng thanh niên xung phong đang tập trung sửa chữa một số đoạn đường bị hư hỏng ở khu vực cầu Cấm (huyện Nghi Lộc - địa phương cũ của Nghệ An) thì máy bay Mỹ tập kích, đánh phá ác liệt làm 11 chiến sĩ hy sinh.

Trong suốt 10 năm, với 1.350 cán bộ, công nhân viên - lao động, thanh niên xung phong, dân công Trung ương và địa phương tham gia chiến đấu trên mặt trận rà phá bom mìn, nạo vét tuyến luồng, chống phong tỏa.

Chỉ tính riêng lực lượng giao thông vận tải ngành đường sông, từ năm 1965 - 1972, có 130 chiến sĩ hy sinh, nhiều người được đồng đội chôn cất ngay chân núi. Họ là những công binh, dân quân, thủy thủ... đa phần là những người con của xứ Nghệ với tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, có 29 chiến sĩ ngã xuống khi vừa tròn tuổi mười tám, đôi mươi.

Hình ảnh các chiến sĩ tất tả ngược xuôi với mái chèo dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, miệt mài khơi thông luồng lạch, rà phá bom mìn. Tất cả như một thước phim sinh động ghi lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của quân và dân Nghệ An trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

Năm 1996, để tưởng nhớ và tri ân những liệt sĩ ngã xuống khi làm nhiệm vụ trên tuyến kênh Nhà Lê tại Nghệ An, ngành giao thông vận tải cho xây dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên kênh Nhà Lê.

2 bức phù điêu tại đài tưởng niệm.

Kênh Nhà Lê trong dòng chảy di sản xứ Nghệ

Đoạn kênh Nhà Lê tại Nghệ An dài hơn 130km. Mỗi đoạn kênh lại được đặt những tên riêng như kênh Mơ, kênh Dâu, kênh Mỹ Giang, sông Vinh…

Từ thời nhà Lý đến khoảng thế kỷ XVI, XVII, lịch sử chứng kiến dòng người di cư từ khắp nơi đặc biệt là các tỉnh phía Bắc vào xứ Nghệ sinh cơ, lập nghiệp. Các dòng họ lớn chọn vùng đất có con kênh Nhà Lê chảy qua, nơi có nguồn nước dồi dào để an cư và lập nghiệp.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, kênh Nhà Lê ngày nay gắn liền nhiều di tích, danh thắng như khu du lịch Bãi Lữ, đền thờ Nguyễn Xí, bãi biển Cửa Lò, thành cổ Nghệ An, đền thờ vua Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười, thành cổ Lam Thành… Đặc biệt, đoạn đi qua địa phận cuối cùng trên đất Nghệ An chính là một phần nhánh kênh Đích, sông Vinh nối liền với sông Lam.

Sông Vinh còn có tên gọi là sông Cồn Mộc, sông Cửa Tiền vì sông chảy qua trước mặt Cửa Tiền thành cổ Nghệ An, đồng thời cũng là nguồn nước cung cấp cho hệ thống kênh hào bảo vệ quanh thành.

Ngày nay, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự phá hoại của chiến tranh và thời gian, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Chính quyền tỉnh Nghệ An khôi phục, trùng tu lại 2/3 cổng thành đồng thời cải tạo một số khu vực quanh thành làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân.

Đến xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Nguyên), kênh Nhà Lê đổ nước ra sông Lam ở ngã ba Yên Lạc (còn gọi là ngã ba Mỏ Hạc), cách cầu Bến Thủy 2km. Đây là nơi tọa lạc đền Ông Hoàng Mười linh thiêng - nhân vật được người dân xứ Nghệ tôn vinh “Đức thánh minh”, là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu tứ phủ ở Việt Nam.

Truyền thuyết kể rằng, ông Hoàng Mười quê ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên. Ngài là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Tương truyền, khi Quan Hoàng Mười bị thương nặng, chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Triều đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công - quê hương ngài để tưởng nhớ công ơn.

Bia đá khắc tên các liệt sĩ ngành đường sông.

Tại huyện Nghi Lộc (nay là xã Nghi Lộc), năm 1996, ngành giao thông vận tải Nghệ An xây dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê nằm sát Quốc lộ 1A. Công trình tưởng niệm bao gồm tượng đài, phù điêu, bia tưởng niệm, cầu bắc qua sông...

Hai bức phù điêu, 1 bức thể hiện cảnh dân phu đang nạo vét kênh, trên bờ nhiều đống đất đá được chất cao, dưới lòng kênh người đông nghịt và đang miệt mài với công việc. Bức thứ 2 thể hiện hoạt cảnh đánh phá của giặc với khói bay nghi ngút, bên dưới là hình ảnh các chiến sĩ chèo thuyền vận chuyển hàng hóa.

Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê đón rất nhiều đoàn khách là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí là khách vãng lai về tham quan, thăm viếng. Du khách là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... từng chiến đấu bảo vệ tuyến kênh này trong những năm tháng diễn ra chiến tranh phá hoại ác liệt của quân đội Mỹ.

Bên cạnh đó, Đài tưởng niệm cũng được các trường học lân cận chọn làm địa điểm học tập, sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh, nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngày nay, kênh Nhà Lê chuyển mình, trở thành huyết mạch dân sinh, tưới tiêu cho đồng ruộng và là nền tảng cho sự phát triển của các làng mạc, đô thị sầm uất. Dòng chảy của con kênh hơn nghìn năm tuổi hòa vào dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội, chứng minh sức sống mãnh liệt của dân tộc.

Toàn tuyến kênh Nhà Lê dài hơn 500km qua 4 tỉnh từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ có đoạn kênh chảy qua Nghệ An được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2016.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP