Kinh tế

Kêu gọi dừng bán khẩu trang: Các nhà thuốc đang thách thức Luật Cạnh tranh?

Với việc dừng bán khẩu trang, các nhà thuốc ở Chợ thuốc Hapulico (đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nguy cơ vi phạm Luật Cạnh tranh và bị xử phạt theo quy định của luật này.

Một quầy thuốc ở "chợ thuốc" Hapulico đề bảng không bán khẩu trang

Như VietnamFinance đã thông tin, trong những ngày qua, nhiều nhà thuốc ở Chợ thuốc Hapilico đã đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang” và dung dịch rửa tay/sát khuẩn.

Động thái này của các nhà thuốc diễn ra ngay sau khi lực lượng quản lý thị trường xử phạt các nhà thuốc vì bán khẩu trang y tế với giá cao hoặc không niêm yết giá – trong bối cảnh người dân đang đổ xô đi mua khẩu trang do lo ngại dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Điều đáng chú ý là cùng với động thái dừng bán khẩu trang tại các quầy thuốc, trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” có một số bài viết kêu gọi các nhà thuốc không bán khẩu trang.

Hành vi này của các nhà thuốc đang hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của dư luận xã hội. Để soi chiếu hành vi này dưới góc độ luật pháp, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

- Hành vi dừng bán khẩu trang của các nhà thuốc có vi phạm pháp luật không, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Đức: Việc dừng bán khẩu trang không vi phạm pháp luật, tuy nhiên hành vi kêu gọi và thỏa thuận cùng nhau dừng bán khẩu trang thì có nguy cơ vi phạm quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (được quy định trong Luật Cạnh tranh 2018).

- Vậy cần những yếu tố gì để xác minh các nhà thuốc vi phạm?

Có 3 điều cần phải xác minh: một là các nhà thuốc có thỏa thuận không, hai là hành vi dừng bán có phải là hệ quả của thỏa thuận không, ba là xác định các yếu tố về thị trường liên quan và thị phần.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về các yếu tố trên?

Về thỏa thuận, chúng ta thấy trên trang mạng xã hội “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” có một số bài viết kêu gọi các nhà thuốc dừng nhập và bán khẩu trang cho người tiêu dùng. Đây là yếu tố có thể bị xem xét để xác định có phải là một thỏa thuận dừng bán giữa các nhà thuốc hay không. Nếu xác thực đây là hành vi cụ thể của một nhà thuốc và được các nhà thuốc khác hưởng ứng làm theo thì đó là căn cứ xử lý.

Về thị trường liên quan và thị phần, có thể hiểu đơn giản rằng thị trường liên quan là thị trường bao gồm tất cả những đơn vị có cạnh tranh trực tiếp với nhau. Ví dụ với mặt hàng khẩu trang, các nhà thuốc ở đường Nguyễn Huy Tưởng có cạnh tranh trực tiếp với nhau và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà thuốc ở khu vực khác. Như vậy thị trường liên quan đối với trường hợp Chợ thuốc Hapulico chỉ gồm khu vực đường Nguyễn Huy Tưởng và vùng lân cận.

Trong khu vực này, nếu các nhà thuốc dừng bán khẩu trang có thị phần từ 30% trở lên thì họ sẽ bị xử lý vì vi phạm Luật Cạnh tranh.

- Nếu chứng minh được vi phạm, các nhà thuốc sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Luật Cạnh tranh, mức phạt tối đa các nhà thuốc phải chịu là 10% tổng doanh thu năm 2019. Tuy nhiên mức phạt chính thức có thể thấp hơn, dưới 1% doanh thu cũng có.

- Còn nguy cơ bị xử lý hình sự thì sao?

Việc này chưa có tiền lệ, nhưng về mặt lý thuyết thì vẫn có thể vì Bộ luật Hình sự có quy định. Dù vậy tôi cho rằng nguy cơ này không cao.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tác giả: Vĩnh Chi

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP