Tin trong tỉnh

Khai mạc Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào

Sáng 11/02 (tức ngày 21 tháng Giêng năm Quý Mão), trên địa bàn xã Xá Lượng, huyện Tương Dương diễn ra Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào.

Sau 2 năm rút gọn vì dịch COVID-19, lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào năm 2023 được tổ chức quy mô cấp huyện từ ngày 10-12/2 (tức từ 20 - 22 tháng Giêng). Chương trình lễ hội, bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị thần linh là phần hội với hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ và trò chơi dân gian sôi động.

Lễ rước linh vị Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu trang trọng và thành kính

Lễ Đại tế, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên

Đ/c Đinh Hồng Vinh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu khai mạc Lễ hội

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải đánh trống khai mạc Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào năm 2023

Tại lễ hội năm nay, bên cạnh những nghi lễ truyền thống như lễ rước linh vị Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên ấm, sẽ có thêm phần hội với các môn thể thao và trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ. Ở đây, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm thú vị về các hoạt động và nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng cao trong ngày hội ở ngã ba sông.

Nét mới của Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào năm 2023 đó là tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm, sản vật do chính người dân địa phương sản xuất. Các gian hàng ẩm thực, với các món đặc sản của địa phương, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức hương vị đặc trưng của núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

Chương trình văn nghệ với những tiết mục đặc sắc tái hiện không gian văn hóa lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Đại biểu và du khách thập phương tới dự Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào

Đền Vạn- Cửa Rào tọa lạc ở ngã ba sông, thuộc xã Xá Lượng, nơi hợp lưu của hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, là điểm khởi nguồn của dòng sông Lam. Vị trí của đền thuộc di chỉ khảo cổ học Đồi Đền, từng được các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật có giá trị (gồm công cụ sản xuất bằng đồ đá, vũ khí và trống đồng) được xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách chúng ta gần 4.000 năm.

Đền Vạn – Cửa Rào là nơi gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (đời nhà Trần), người đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ biên cương, bờ cõi và cuộc sống muôn dân.

Theo tư liệu lịch sử, vào khoảng năm 1335, giặc Ai Lao từ phía bên kia biên giới tràn xuống quấy nhiễu ấp Nam Nhung, tức vùng bờ cõi miền Tây xứ Nghệ (gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay). Nhân dân vùng biên cương lâm vào cơn bĩ cực khi cuộc sống hàng ngày bị đe dọa, người dân vô tội bị cướp bóc và giết hại. Nhận được tin báo, dù tuổi đã cao nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn quyết định thân chinh cầm quân vào dải đất biên thùy xứ Nghệ để đánh dẹp quân giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi và trả lại cuộc sống bình yên cho muôn dân.

Thượng hoàng Trần Minh Tông cử Đoàn Nhữ Hài đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An làm Đốc tướng. Trên vùng đất Nam Nhung, quân sỹ triều đình và giặc Ai Lao đã giao chiến ác liệt, hai bên trong thế giằng co. Trong một trận chiến diễn ra tại khu vực ngã ba sông trong cảnh sương mù dày đặc, che khuất tầm nhìn nên Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và nhiều quân sỹ triều đình bị hy sinh. Về sau, triều đình nhà Trần củng cố lại lực lượng, hoàn thành việc đánh đuổi giặc Ai Lao ra khỏi bờ cõi, cuộc sống trở lại thanh bình. Lúc ấy, người dân ấp Nam Nhung đã lập đền thờ tại ngã ba sông, nơi Đoàn Nhữ Hài tử trận để tưởng nhớ công lao của Đốc tướng và binh sỹ nhà Trần đã hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống vùng biên cương.

Về sau, nhân dân rước linh vị Tam Tòa Thánh Mẫu (một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian) về phối thờ tại Đền Vạn - Cửa Rào. Mỗi khi có thuyền bè xuôi ngược, hành khách thường lên đền cầu xin các vị thần linh chở che cho hành trình luôn được bình yên, vượt qua thác ghềnh và sóng gió. Còn người dân ấp Nam Nhung quanh năm chăm sóc hương khói và tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân và giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ con cháu.

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP